Đồng Tháp công bố hết dịch tả lợn châu Phi sau hơn 9 tháng bùng phát

Dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại cho hơn 6.346 hộ chăn nuôi, ở 139/144 xã của 12/12 huyện, thị, thành phố của tỉnh Đồng Tháp, tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là hơn 123.000 con.
Đồng Tháp công bố hết dịch tả lợn châu Phi sau hơn 9 tháng bùng phát ảnh 1Chăm sóc đàn lợn. (Nguồn: TTXVN)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp quyết định công bố hết dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh sau hơn 9 tháng bùng phát dịch.

Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với sở, ngành và các đơn vị liên quan; Ủy ban Nhân dân huyện, thị xã, thành phố; thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp tục theo dõi đàn gia súc mẫn cảm với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên phạm vi toàn tỉnh, kiểm tra, giám sát, kịp thời báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định hiện hành.

Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật theo quy định trên địa bàn quản lý.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp lưu ý việc tái đàn cần gắn với tái cơ cấu chăn nuôi lợn sau dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Về quy trình nuôi lợn đúng quy định, người nuôi lợn phải đăng ký với chính quyền địa phương; cơ sở chăn nuôi phải có tường, rào bao quanh, đảm bảo an toàn cho khu vực chăn nuôi.

Bên cạnh đó, các hộ nuôi cần có biện pháp ngăn chặn côn trùng, động vật gặm nhấm mang mầm bệnh vào trong chuồng trại chăn nuôi; có hố tiêu độc, khử trùng ở lối ra, vào; có khu vực cách ly để kiểm soát, vệ sinh, tiêu độc khử trùng con người và phương tiện trước khi ra, vào trại.

Đồng thời, các hộ nuôi thiết kế chuồng trại cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát; phải để trống chuồng và thực hiện nghiêm ngặt việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại liên tục ít nhất trong 30 ngày trước khi thả nuôi; ghi chép các hoạt động chăn nuôi, quản lý dịch bệnh, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học...

[Giá thịt lợn lại có xu hướng tăng ở các tỉnh miền Bắc]

Ngoài ra, các hộ nuôi cần chọn mua con giống rõ nguồn gốc, từ các cơ sở giống uy tín, được lấy mẫu kiểm tra định kỳ không mang các mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, được kiểm dịch theo quy định; không thả nuôi 1 lượt mà chỉ nuôi khoảng 10% tổng đàn, sau thời gian 30 ngày, nếu lợn không có dấu hiệu bệnh mới tiếp tục thả nuôi.

Dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại cho hơn 6.346 hộ chăn nuôi, ở 139/144 xã của 12/12 huyện, thị, thành phố của tỉnh Đồng Tháp có lợn mắc bệnh. Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là hơn 123.000 con (chiếm hơn 47% tổng đàn lợn của tỉnh), tổng khối lượng tiêu hủy hơn 8.000 tấn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục