Du khách Trung Quốc bị bắt nhầm vào trại tị nạn ở Đức 12 ngày

Một du khách Trung Quốc đã vướng phải một rắc rối về hành chính ở Đức khi khai nhầm vào mẫu đơn dành cho người tị nạn, khiến anh bị mắc kẹt tại một nhà trọ cho người nhập cư trong suốt gần 2 tuần.
Du khách Trung Quốc bị bắt nhầm vào trại tị nạn ở Đức 12 ngày ảnh 1Một người di cư tại Đức. (Nguồn: AP)

Một du khách 31 tuổi người Trung Quốc gần đây đã vướng phải một rắc rối về hành chính ở Đức khi khai nhầm vào mẫu đơn dành cho người tị nạn, khiến anh bị mắc kẹt tại một nhà trọ dành cho người nhập cư trong suốt gần 2 tuần.

Theo trang Asian Correspondent, các nhà chức trách Đức chỉ nhận ra sự nhầm lẫn này khi để ý thấy người đàn ông tên là L. ăn mặc chỉnh tề hơn và có những hành vi khác với những người tị nạn.

Thật không may, anh L. đến từ Bắc Kinh, Trung Quốc, chỉ có thể giao tiếp bằng tiếng Quan thoại. Điều này đã buộc các nhân viên trung tâm tị nạn phải tìm đến một nhà hàng Trung Quốc ở gần đó để phiên dịch.

Nhân viên nhà hàng gợi ý rằng họ nên dùng một ứng dụng dịch thuật để tìm hiểu xem anh L muốn nói gì. Tuy nhiên, kết quả thu được chỉ là những câu lủng củng như “Tôi muốn đi bộ đến một quốc gia ở nước ngoài.”

Tuy vậy, câu chuyện của anh L - điều mà anh đã cố gắng nói với nhân viên của trung tâm tị nạn trong suốt thời gian 12 ngày ở lại đây - đã dần được hé lộ.

Hóa ra, anh L tới châu Âu với mục đích đi du lịch, và đã lên kế hoạch tới thăm Italy và Pháp, nhưng đã phải gác kế hoạch này lại khi bị ăn cắp mất ví tiền ở thành phố Heidelberg miền tây nam nước Đức.

Thay vì tới sở cảnh sát, anh L lại có mặt tại một tòa thị chính, và thay vì điền vào mẫu đơn trình báo mất cắp tài sản, anh lại ký vào đơn xin tị nạn.

Sau đó, trong sự bối rối của anh L, người ta đã thu hộ chiếu, lấy dấu vân tay, tiến hành kiểm tra sức khỏe, rồi đưa anh tới một trung tâm tị nạn ở thành phố Dülmen gần biên giới với Hà Lan.

Christoph Schlütermann, người đứng đầu một trung tâm tị nạn Chữ Thập Đỏ trong thành phố giải thích với phóng viên Reuters: “Ông ấy đã bị kẹt 12 ngày trong ma trận thủ tục hành chính của chúng tôi vì chúng tôi không giao tiếp được với nhau. Thật không may, Đức lại là một quốc gia có rất nhiều thủ tục hành chính. Đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay, những thủ tục này càng trở nên rối rắm hơn.”

Theo Schlütermann, hơn một triệu người tị nạn đã tới Đức chỉ trong năm ngoái, chủ yếu từ các quốc gia như Syria, Iraq và Afghanistan - tuy vậy qua các năm vẫn có một lượng rất nhỏ người tị nạn Trung Quốc.

Sau khi đã xóa bỏ được mối hiểu lầm, thay vì giận dữ, anh L có vẻ rất vui khi được tiếp tục hành trình của mình, và nhận xét rằng châu Âu “khá là khác biệt” so với tưởng tượng của mình.

“Bạn có thể trông đợi điều gì nếu tới châu Âu với tư cách khách du lịch rồi lại phải dành 12 ngày ngủ trên một chiếc giường gấp trong một trung tâm tị nạn chứ?” Schlütermann nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục