Đức có từ bỏ thân phận một cường quốc không có vũ khí hạt nhân?

Theo một chuyên gia về chính sách an ninh, Berlin có thể đang đùa với ý tưởng theo đuổi tham vọng hạt nhân, nhưng làm như vậy sẽ gây nguy hiểm cho cán cân quyền lực mong manh ở châu Âu.
Đức có từ bỏ thân phận một cường quốc không có vũ khí hạt nhân? ảnh 1(Nguồn: AP)

Trang mạng global.handelsblatt.com đưa tin, theo một chuyên gia về chính sách an ninh, Berlin có thể đang đùa giỡn với ý tưởng theo đuổi tham vọng hạt nhân, nhưng làm như vậy sẽ gây nguy hiểm cho cán cân quyền lực mong manh ở châu Âu.

Giống như trong môn cờ vua, có những động thái địa chính trị mà qua đó một quốc gia có thể - không cố ý - tự đẩy mình vào thế bị chiếu tướng. Việc mở một cuộc thảo luận về vũ khí hạt nhân của Đức sẽ là một động thái như vậy.

Tuy nhiên, đây chính là điều mà một số người Đức mới đây đã đề xuất. Những người ủng hộ một nước Đức có vũ khí hạt nhân cho rằng "chiếc ô hạt nhân" của NATO đã mất hết tính tin cậy do những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Có ít nhất 3 lý do xác đáng giải thích tại sao việc xem xét lựa chọn sở hữu vũ khí hạt nhân lại là điều liều lĩnh và điên rồ đối với Đức.

Trước hết, Đức đã nhiều lần từ chối điều này, lần đầu tiên vào năm 1969 khi ký (và sau đó phê chuẩn) Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), và tiếp đến vào năm 1990 đã ký cái gọi là Hiệp ước 2+4, mở đường cho việc thống nhất nước Đức.

Việc dấy lên sự hoài nghi đối với những cam kết này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng và uy tín của Đức trên toàn thế giới.

Đức sẽ làm nảy sinh câu hỏi về độ tin cậy của lá chắn hạt nhân của NATO và của chính liên minh cùng với toàn bộ cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân. Điều đáng chú ý là kể từ khi thành lập năm 1949, NATO đã là một trong những công cụ ngăn ngừa phổ biến vũ khí hạt nhân thành công nhất trên thế giới.

[Đức hối thúc Triều Tiên có hành động phi hạt nhân hóa cụ thể]

Đức không phải là quốc gia thành viên NATO duy nhất - ngoài Mỹ, Anh và Pháp - nhận thấy sự cần thiết có vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Rủi ro của hiệu ứng domino

Nếu Đức bây giờ đột ngột từ bỏ thân phận một cường quốc không có vũ khí hạt nhân, điều gì sẽ giữ cho những nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan không bắt chước?

Đức sẽ trở thành kẻ "đào huyệt" hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân - ai có thể muốn điều đó xảy ra?

Thứ hai, một nước Đức có bom hạt nhân sẽ phá hỏng môi trường chiến lược ở châu Âu - gây bất lợi cho Đức. Nga sẽ diễn giải những bước đi của Đức hướng tới sở hữu kho vũ khí hạt nhân là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia của Nga và có thể sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa quân sự.

Điều đó thậm chí sẽ gây khó khăn hơn cho việc duy trì quan điểm về một trật tự hòa bình và an ninh liên châu Âu, một mục tiêu chính sách đối ngoại cốt lõi của mọi chính phủ ở Đức kể từ thời Thủ tướng Konrad Adenauer.

Hơn nữa, một tham vọng hạt nhân của Đức có thể gây nguy hiểm cho cán cân quyền lực mong manh ở châu Âu - ví dụ như giữa Đức và Pháp - với những hậu quả không thể lường trước đối với sự gắn kết lâu dài của Liên minh châu Âu (EU).

Cuối cùng, không khó để dự đoán rằng việc theo đuổi vũ khí hạt nhân sẽ chuốc lấy sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng, đặc biệt là khi một động thái như vậy sẽ là một "sự trở mặt" hoàn toàn của Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel, mà chỉ cách đây vài năm, đã chuyển sang dần từ bỏ hoàn toàn sử dụng năng lượng hạt nhân.

Đức có từ bỏ thân phận một cường quốc không có vũ khí hạt nhân? ảnh 2Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thật khó để tưởng tượng một thất bại đối với chính sách đối ngoại và an ninh của Đức lớn hơn cả việc đề xuất một chiến lược hạt nhân và sau đó không được quốc hội thông qua.

Những lựa chọn thay thế hợp lý

Có những cách lâu dài thông minh hơn để củng cố phòng thủ hạt nhân của châu Âu hơn là để cho nước Đức chế tạo một quả bom nguyên tử. Ví dụ, Pháp có thể sẵn sàng xem xét đóng một vai trò lá chắn hạt nhân mở rộng, cùng với vai trò của Mỹ và Anh trong NATO.

Mặc dù điều này đòi hỏi một sự thay đổi quan điểm cơ bản và Âu hóa chiến lược hạt nhân của Pháp, Đức và các đối tác châu Âu khác có thể đóng góp tài chính cho một sáng kiến như vậy, trong bối cảnh một liên minh quốc phòng châu Âu sẽ ra đời trong tương lai với một nòng cốt hạt nhân, song may mắn là có những lựa chọn dài hạn.

Tóm lại, bất kể Trump nói gì, Đức sẽ vẫn phụ thuộc vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ trong tương lai gần.

Cách tốt nhất để duy trì sự tin cậy của NATO là nghiêm túc thực hiện mục tiêu đóng góp 2% GDP cho ngân sách quốc phòng của liên minh và đầu tư mạnh hơn cho năng lực quân sự thông thường, không phải để đáp ứng các đòi hỏi của Mỹ mà là để bảo vệ các lợi ích quốc phòng và an ninh của chính châu Âu.

Tuy nhiên, điều này không đơn giản là chi tiêu nhiều hơn, mà là chi tiêu thông minh hơn, đặc biệt là bằng cách cùng góp sức và chia sẻ năng lực và bằng cách hợp tác mua bán vũ khí với Pháp và các đối tác châu Âu khác, thông qua Quỹ phòng thủ EU mới được thành lập.

Không giải pháp nào trong số này có hiệu quả nếu Đức không bắt đầu xác định chiến lược quân sự, an ninh và quốc phòng là những ưu tiên chính sách hàng đầu.

Chỉ như vậy, Quốc hội Đức sau đó sẽ có thể trao cho quân đội Đức những gì lực lượng vũ trang nước này cần để hoạt động. Lựa chọn thay thế - xem xét phát triển vũ khí hạt nhân - sẽ là một hành động vô vọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục