Mỹ phẩm được chiết xuất từ thảo dược, có tác dụng tốt, an toàn đang là xu hướng được nhiều người tiêu dùng tin dùng, quan tâm và lựa chọn, đặc biệt đối với những dòng sản phẩm chăm sóc da và tóc.
Dược mỹ phẩm là dòng sản phẩm đang có xu hướng phát triển mạnh ở Việt Nam. Tuy nhiên, không phải tất cả những chị em quan tâm tới sắc đẹp đều có hiểu biết đúng và sử dụng đúng về mỗi dòng sản phẩm, những lợi ích cũng như tác hại tiềm ẩn...
Dược mỹ phẩm - mỹ phẩm thế hệ thứ hai
Hiện nay, trên thị trường, ngoài mỹ phẩm và hóa mỹ phẩm, còn có một phân khúc sản phẩm được gọi với tên dược mỹ phẩm. Với các ưu điểm từ chất lượng cho đến độ an toàn dược mỹ phẩm đang được đánh giá là sự lựa chọn hàng đầu hiện nay.
Về vấn đề này, thep phó giáo sư Nguyễn Thanh Hải – Phó chủ nhiệm phụ trách khoa Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, thì hiện nay, sản phẩm mỹ phẩm có hoạt tính (dược mỹ phẩm) thực ra chưa được cơ quan quản lý của nhiều nước thừa nhận là một dòng sản phẩm riêng.
Nhưng trước mong muốn của người tiêu dùng ngoài xu hướng trang điểm thì các sản phẩm làm đẹp có tác dụng đến sức khỏe cơ thể, tăng sự trẻ hóa... các nhà sản xuất đã tăng cường phát triển các sản phẩm này khiến nó dần thành một trào lưu và là xu hướng tiêu dùng của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.
Giờ đây, không chỉ những chuyên gia trong lĩnh vực làm đẹp lựa chọn dược mỹ phẩm để sử dụng trong các liệu trình điều trị chuyên sâu cho khách hàng, mà rất nhiều chị em phụ nữ lựa chọn sử dụng dược mỹ phẩm tại nhà như sản phẩm dưỡng da thông thường.
Đừng để "niềm tin" quy định chất lượng
Tại cuộc Tọa đàm "Dược mỹ phẩm: Hiểu đúng và dùng đúng" do Thời báo Kinh tế Việt Nam, phó giáo sư Lê Văn Truyển - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đã đưa ra cảnh báo: “Dược mỹ phẩm cũng có các công dụng như một loại dược phẩm, chính vì vậy người sử dụng cần hiểu rõ công dụng của các chất dược tính trong sản phẩm.”
Tuy vậy, có một thực tế hiện nay là rất nhiều người đang mua, đặt hàng qua các kênh xách tay mà chất lượng của sản phẩm, chủ yếu là dựa trên "niềm tin" mà hoàn toàn bỏ qua yếu tố: sản phẩm trôi nổi như con dao hai lưỡi, người sử dụng mua sản phẩm về dùng như mua “thuốc độc” bôi vào cơ thể với độ tàn phá rất khủng khiếp.
Bác sỹ Nguyễn Văn Thành - Nguyên trưởng Khoa khám bệnh, Viện Da liễu quốc gia cho biết, sự khác nhau giữa mỹ phẩm và dược phẩm có thể hiểu như: Dược mỹ phẩm khác mỹ phẩm ở chỗ, bên cạnh vai trò của một mỹ phẩm được sử dụng để làm đẹp, làm sạch, tăng cường sự hấp dẫn, thay đổi diện mạo thì chúng có thêm tác dụng có lợi cho bộ phận cơ thể khi sử dụng.
Tác dụng có lợi là do dược mỹ phẩm có sử dụng thêm các chất có tác dụng sinh học trong thành phần. Ngoài ra quá trình nghiên cứu và phát triển, các thành phần bất lợi hoặc quy trình sản xuất của dược mỹ phẩm cũng được kiểm soát trên quan điểm toàn diện hơn.
Với sự phát triển của mạng xã hội như vũ bão khiến mỗi người đều có thể làm một người bán hàng đã khiến các sản phẩm dược mỹ phẩm dễ tiếp cận người tiêu dùng hơn, nhưng nó cũng đặt ra các vấn đề về chất lượng. Ngay cả những sản phẩm của các hãng danh tiếng nước ngoài, nhưng đi theo các con đường "xách tay" - cũng rất có thể là hàng nhái, hàng giả hoặc không thể kiểm chứng về xuất xứ nguồn gốc.
Cùng với đó, là các nhãn mác có vẻ lạ lẫm, được hình thành theo các "nghiên cứu, bí quyết gia truyền độc quyền" cũng dễ dàng tìm đến với người tiêu dùng.
Tìm đúng sản phẩm và nhà cung cấp
Trên thị trường hiện nay, nhiều người tiêu dùng đã biết đến tên tuổi của một số hãng dược mỹ phẩm đến từ châu Âu như nhưng lại chưa nhiều người biết rằng những nhãn hiệu 100% Việt Nam như Sao Thái Dương, Hải Long, Đại Việt Hương… hiệu quả chẳng thua kém gì. Hơn thế, ở khía cạnh phù hợp với khí hậu, chất da...của người Việt lại có phần ưu thế.
Theo phó giáo sư Hải, để có một sản phẩm tốt thì các nhà sản xuất đã phải trải qua một quá trình nghiên cứu, quá trình phát triển cũng như kiểm soát các thành phần có lợi, có ích cũng như các thành phần có hại rất chặt chẽ. Điều này phụ thuộc vào uy tín của từng công ty, trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất. Vì vậy nhà sản xuất và người tiêu dùng phải lựa chọn, nếu nhà sản xuất thiếu trách nhiệm xã hội nhiều khi họ công bố thông tin quá so với tác dụng thực sự của sản phẩm mang đến những bất lợi cho người tiêu dùng.
Chia sẻ về vấn đề này, thạc sỹ Nguyễn Thị Hương Liên – Phó giám đốc Công ty Cổ phần Sao Thái Dương khẳng định, nhà sản xuất để làm mỹ phẩm thì phải đáp ứng những quy định nghiêm ngặt. Hiện nay các nước trong khối ASEAN đã có quy định ghi rõ các doanh nghiệp muốn phát triển bài bản các sản phẩm mỹ phẩm cung cấp cho người tiêu dùng một cách có trách nhiệm phải làm đầy đủ các bước nghiên cứu như thu nhận tài liệu an toàn, hiệu quả từ các nguyên liệu, sau khi bào chế thành phẩm cần có đánh giá về tiêu chí an toàn.
Bà Hương nhấn mạnh: “Hiệu quả của sản phẩm mỹ phẩm đó mặc dù không có tác dụng dược lý giống như thuốc, tuy nhiên nó phải có hiệu quả. Chẳng hạn như làm ẩm da nó có thực sự mang lại ẩm da hay không hay chống nhăn da, chống nám da. Điều trị nám da là thuốc, nhưng chống nám da, chống nhăn da là mỹ phẩm.”/.
Bài 2: Chất độc trong mỹ phẩm thấm qua da tàn phá cơ thể như thế nào?