Đường sắt đô thị Yên Viên-Ngọc Hồi thiếu vốn giải phóng mặt bằng

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 (Yên Viên-Ngọc Hồi) giai đoạn 1 chỉ có thể khởi công vào cuối năm 2018 khi vốn đối ứng dành cho công tác giải phóng mặt bằng được bố trí theo đúng kế hoạch.
Đường sắt đô thị Yên Viên-Ngọc Hồi thiếu vốn giải phóng mặt bằng ảnh 1Mô hình một tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội. (Ảnh: Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cung cấp)

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 (Yên Viên-Ngọc Hồi) giai đoạn 1 chỉ có thể khởi công vào cuối năm 2018 khi vốn đối ứng dành cho công tác giải phóng mặt bằng được bố trí theo đúng kế hoạch.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 (Yên Viên-Ngọc Hồi) giai đoạn 1 đã được Bộ Giao thông Vận tải có quyết định công tác giải phóng mặt bằng phải được thực hiện hoàn thành trước năm 2019 để triển khai thi công xây lắp (bắt đầu từ 2018, hoàn thành năm 2024).

[Hà Nội muốn vay hơn 62.000 tỷ đồng làm 2 tuyến đường sắt đô thị]

Theo quyết định này, kinh phí để thực hiện hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cho khu tổ hợp Ngọc Hồi là 2.300 tỷ đồng. Đến nay, kế hoạch vốn đã bố trí cho phần giải phóng mặt bằng của dự án là 388 tỷ đồng. Tại quyết định số 1291/QĐ-TTg ngày 29/8/2017, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao 512 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước (vốn đối ứng) giai đoạn 2016-2020.

Ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, hiện tại, Ban đang phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì thực hiện công tác giải phóng mặt bằng khu tổ hợp Ngọc Hồi và đang thực hiện các thủ tục để tổ chức đấu thầu gói thầu xây lắp đầu tiên của dự án (gói thầu xử lý nền đất yếu lên tới 95ha).

Tuy nhiên, ông Phương tiết lộ, tại các buổi làm việc với đoàn giám sát dự án của JICA từ ngày 29/5 - 6/6 vừa qua, phía JICA yêu cầu phía Chính phủ Việt Nam phải bố trí vốn để hoàn thành được tối thiểu 50% khối lượng giải phóng mặt bằng cho khu tổ hợp Ngọc Hồi thì JICA mới phê duyệt hồ sơ mời thầu và chấp thuận cho phép thực hiện công tác đấu thầu dự án.

“Theo tiến độ dự án, đến tháng 10/2018 kết thúc chấm thầu, đòi hỏi công tác giải phóng mặt bằng 95ha phải hoàn thành nhằm tiến hành phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu để khởi công vào cuối năm sau,” ông Phương cho hay.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì, đến nay, huyện đã thực hiện hoàn thành giải phóng mặt bằng được 32ha/171ha khu tổ hợp Ngọc Hồi, hoàn thành công tác đo đạc, kiểm đếm, lập hồ sơ đủ điều kiện trình huyện phê duyệt với giá trị là 250 tỷ đồng.

“Tuy nhiên, năm 2017, do mới được bố trí 15 tỷ đồng (vốn kéo dài năm 2016) nên chưa phê duyệt được hết phương án giải phóng mặt bằng theo quy định, đồng thời các hộ dân có đất bị thu hồi rất đồng thuận với chủ trương thu hồi đất và sẵn sàng nhận tiền bồi thường hỗ trợ bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án,” ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì cho hay.

[Chi phí 10 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội lên tới hơn 40 tỷ USD]

Để tránh phát sinh, khiếu kiện, tăng chí phí bồi thường giải phóng mặt bằng, huyện Thanh Trì đề nghị bổ sung vốn là 235 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 15/11/2017 và cam kết sẽ giải ngân hết kế hoạch vốn được giao trong tháng 1/2018.

“Nếu sau ngày 15/11/2017, dự án mới được giao vốn thì công tác chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ phải kéo dài sang quý 2/2018,” ông Cường khẳng định.

Để bổ sung vốn, Ban Quản lý dự án đường sắt đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận cho phép điều hòa, điều chỉnh, bổ sung 48 tỷ đồng từ các dự án đường sắt khác cho tuyến số 1, giai đoạn 1 (hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xem xét, xử lý), nhưng kế hoạch vốn bổ sung này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.

Nhằm tránh khiếu kiện, phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng, kéo dài tiến độ dự án (do JICA không phê duyệt hồ sơ mời thầu và cho phép thực hiện công tác đấu thầu trong năm 2017), trên cơ sở kế hoạch vốn đối ứng giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ giao, phía Ban này cho rằng, dự án cần phải bổ sung tối thiểu 180 tỷ đồng vốn đối ứng trong năm 2017.

Do đó, Ban Quản lý dự án đường sắt đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét điều hòa, điều chỉnh kế hoạch vốn đối ứng từ các dự án không giải ngân hết trong năm 2017 do Bộ quản lý cho dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, giai đoạn 1.

“Trường hợp không điều hòa, điều chỉnh bổ sung được, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo cấp thẩm quyền cho phép ứng trước kế hoạch vốn năm 2018 cho dự án,” lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt kiến nghị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục