ECOSOC nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng việc làm

ECOSOC đang thúc đẩy nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng việc làm toàn cầu thông qua tăng năng suất lao động, tăng cường hợp tác quốc tế...
Hội đồng Kinh tế Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) đang tích cực thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu giải quyết cuộc khủng hoảng việc làm thông qua tăng năng suất lao động, tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển và tạo ra việc làm bền vững và có chất lượng.

ECOSOC phối hợp điều phối 14 cơ quan chuyên môn, 10 cơ quan chức năng và 5 ủy ban khu vực, 10 quỹ và chương trình của Liên hợp quốc để kiến nghị chính sách và tư vấn chính sách cho Liên hợp quốc và 193 nước thành viên Liên hợp quốc.

Báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc cảnh báo mức độ thất nghiệp chưa từng thấy hiện nay trên toàn cầu, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên, đang phá hoại kết cấu kinh tế xã hội của các nước trên khắp thế giới.

Các nước cần hành động khẩn cấp để đẩy nhanh năng suất lao động, đầu tư, tạo việc làm có chất lượng và để duy trì thu nhập của các hộ gia đình người lao động, người nghèo và người dễ bị tổn thương.

Các nỗ lực này không chỉ là các nhân tố quan trọng thúc đẩy phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn mà còn tăng cường các nền tảng cải tổ để tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội phổ quát, bình đẳng và bền vững hơn.

Báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng nêu bật các xu hướng của thị trường lao động toàn cầu, các sáng kiến giải quyết nguy cơ bị tổn thương của phụ nữ và thanh niên trong các thị trường lao động cũng như các biện pháp cần thiết để đảm bảo người lao động được bảo vệ xã hội thích hợp và chia sẻ bình đẳng các nguồn thu nhập.

Để vượt qua các thách thức hiện hành, Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi tăng cường hiệu quả của hợp tác quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh các nước đang phát triển đang phải chịu nhiều sức ép cực đoan từ các thách thức phát triển.

Nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) bị cắt giảm không đáp ứng nhu cầu chuyển tiếp các nền kinh tế đang phát triển sang phát triển bền vững.

Theo số liệu của ECOSOC, số lao động thất nghiệp trên thế giới tăng từ 170 triệu người năm 2007 lên 197 triệu người năm 2011 đã làm tồi tệ hơn nữa thị trường lao động thế giới, tác động đặc biệt mạnh ở các nước phát triển. Ở một số nước công nghiệp phát triển, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lên tới 50%.

Do tăng trưởng trì trệ, nền kinh tế thế giới chỉ có thể tạo thêm 50% trong 80 triệu việc làm cần thiết trong 2 năm tới để đạt tỷ lệ thất nghiệp trước khủng hoảng trong khi chất lượng việc làm tiếp tục suy giảm.

Hơn 50% lực lượng lao động thế giới hiện làm những công việc có chất lượng việc làm thấp, đặc biệt phụ nữ luôn phải đối mặt với nguy cơ giảm giờ làm, trả lương thấp và tiếp cận hạn chế các lợi ích.

Thị trường việc làm toàn cầu hiện không an ninh, bất ổn định và bất bình đẳng kinh tế lớn hơn. Trung bình, một trong 3 người lao động trên thế giới cùng với gia đình họ đang phải sống dưới mức nghèo khổ.

Thất nghiệp và bất bình đẳng thu nhập đang làm tăng bất mãn xã hội, hành động tội phạm và di cư vì lý do kinh tế./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục