EIU: Kinh tế thế giới năm 2010 khởi sắc hơn

Với nhận định giai đoạn xấu nhất của nền kinh tế toàn cầu có thể đang chấm dứt, mạng tin phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) thuộc tạp chí uy tín "Nhà kinh tế" của Anh ngày 18/5 không thay đổi mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2009, nhưng đã nâng mức dự báo năm 2010 từ 0,9% lên 1,2% (tính theo tỷ giá hối đoái) và từ 1,9% lên 2,1% (tính theo sức mua).

Với nhận định giai đoạn xấu nhất của nền kinh tế toàn cầu có thể đang chấm dứt, mạng tin phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) thuộc tạp chí uy tín "Nhà kinh tế" của Anh ngày 18/5 không thay đổi mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2009, nhưng đã nâng mức dự báo năm 2010 từ 0,9% lên 1,2% (tính theo tỷ giá hối đoái) và từ 1,9% lên 2,1% (tính theo sức mua).

Theo EIU, các số liệu khả quan hơn về tình hình kinh tế thế giới, cùng với hy vọng các gói kích thích tài chính và tiền tệ khổng lồ của các quốc gia bắt đầu phát huy tác dụng, đã góp phần phục hồi thị trường chứng khoán thế giới trong vài tuần gần đây.

Giá tài sản cao hơn giúp các công ty và các hộ gia đình duy trì khả năng thanh toán và cũng tăng thêm hiệu quả của các chính sách kích thích kinh tế.

Tuy nhiên, mức cầu trên thế giới yếu, tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh và sự không rõ ràng về khả năng thanh khoản của các ngân hàng ở nhiều quốc gia vẫn là những vấn đề nghiêm trọng. Sự mất cân bằng hình thành trong những năm bùng nổ vẫn cần được giải quyết và nhiều lĩnh vực vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Tình trạng kinh tế rối loạn ở các nước Đông Âu và nguy cơ bùng phát dịch cúm A (H1N1) vẫn là những mối đe dọa, trong khi sự mất cân đối về tài chính đang lan rộng ở nhiều nước làm gia tăng lo ngại về khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

EIU cũng nâng mức dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế chủ chốt. Theo đó, kinh tế Mỹ năm 2009 sẽ tăng trưởng âm 2,9% (mức dự báo tháng trước là âm 3,2%) và năm 2012 sẽ là 1% (trước đó dự báo là 0,6%). Sự cải thiện này có được nhờ các gói kích thích tài chính và tiền tệ lớn.

Việc Chính phủ Mỹ áp dụng các gói kích thích tài chính một cách nhanh chóng và hiệu quả có thể giúp nền kinh tế nước này tăng trưởng cao hơn mức dự báo. Tuy nhiên, khả năng tăng tốc nhanh trong khoảng thời gian ngắn như vậy có thể dẫn đến việc kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, thậm chí tái xuất hiện tình trạng tăng trưởng âm vào năm 2011 theo biểu đồ hình chữ W.

Kinh tế Nhật Bản vẫn tăng trưởng âm 6,4% trong năm 2009, nhưng có thể tăng trưởng 0,8% trong năm 2010 (dự báo trước đây là 0,3%), nhờ gói kích thích tài chính sắp tới của Chính phủ trị giá 15,4 nghìn tỷ yen (160 tỷ USD), tương đương 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Các gói kích thích tài chính cùng với những thay đổi về chính sách sẽ giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng cao hơn dự kiến, tới 6,5% trong năm 2009 (dự báo trước đây là 6%), và 7,3% trong năm 2010 (dự báo trước là 7%).

Triển vọng kinh tế thế giới sáng sủa hơn cũng được thể hiện trong biểu đồ giá dầu. EIU dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2009 là 47,5 USD/thùng (mức dự báo trước đây là 40 USD/thùng) và mức giá trung bình trong năm 2010 là 53,3 USD/thùng (mức dự báo trước đây là 50 USD/thùng). Ít có cơ sở để dự báo mức giá dầu cao hơn trong trung hạn, do khả năng khai thác còn dư thừa, mức cầu yếu và dự trữ cao.

Kinh tế châu Âu ít sáng sủa hơn với tốc độ tăng trưởng trong năm 2009 giảm từ âm 4,3% xuống âm 4,5% và năm 2010 sẽ là âm 0,6% (mức dự báo trước đây là âm 0,3%). Các chính phủ EU quá thận trọng trong việc hoạch định chính sách nên các gói kích thích kinh tế vĩ mô của khu vực này ít phát huy tác dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục