EU công bố gói đề xuất về khí hậu để thực thi cam kết trung hòa carbon

Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất giảm 55% lượng khí thải CO2 từ ôtô từ nay đến năm 2030 so với mức của năm 2021, cao hơn nhiều so với mức mục tiêu cắt giảm hiện tại là 37,5%.
EU công bố gói đề xuất về khí hậu để thực thi cam kết trung hòa carbon ảnh 1Khói bốc lên từ một nhà máy ở Berre-l'Etang, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) ngày 14/7 đã công bố gói biện pháp về môi trường nhằm đảm bảo lộ trình thực hiện cam kết trung hòa carbon từ nay đến năm 2050.

EU đã đề xuất từ nay đến năm 2035 cấm bán mới các loại ôtô chạy bằng xăng và dầu diesel, từ đó thúc đẩy xu hướng chuyển sang các loại xe điện (EV) không phát thải.

Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất giảm 55% lượng khí thải CO2 từ ôtô từ nay đến năm 2030 so với mức của năm 2021, cao hơn nhiều so với mức mục tiêu cắt giảm hiện tại là 37,5%.

EC cũng đề xuất đến năm 2035 cắt giảm 100% lượng khí thải CO2, đồng nghĩa với việc ôtô mới chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sẽ không được bán tại 27 nước thành viên của khối.

Nhằm thúc đẩy doanh số xe điện, Brussels còn đề xuất một điều luật yêu cầu các nước từ nay đến năm 2025 lắp đặt các điểm sạc điện dọc các con đường lớn với khoảng cách giữa các điểm tối đa 60km. Sự ra mắt của các loại xe điện được dự đoán sẽ tạo ra 3,5 triệu trạm sạc công cộng cho ôtô và xe tải đến năm 2030 và đến năm 2050 con số này sẽ tăng lên 16,3 triệu trạm.

[EU kêu gọi xây dựng khung pháp lý toàn cầu về công bằng khí hậu]

Trong gói biện pháp nói trên còn có đề xuất “thuế carbon biên giới” đầu tiên trên thế giới đối với các mặt hàng nhập khẩu thải nhiều khí carbon, trong đó có thép, ximăng, phân bón và nhôm, nhằm bảo vệ các ngành của EU trước các đối thủ cạnh tranh ở bên ngoài không phải chịu cùng mức thuế carbon. EC cho biết thuế này nên bắt đầu được áp dụng từ năm 2026.

Một văn bản của EC cho biết trong giai đoạn chuyển tiếp từ năm 2023-25, các công ty nhập khẩu sẽ theo dõi và báo cáo lượng khí thải của họ. Theo đề xuất này, các công ty nhập khẩu sẽ phải mua các chứng chỉ số thể hiện lượng khí thải CO2 gắn với các mặt hàng mà họ nhập khẩu. Các công ty nhập khẩu có thể yêu cầu giảm phí carbon nói trên nếu các mặt hàng nhập khẩu đã chịu thuế carbon tại nước sản xuất.

Ngoài ra, theo một đề xuất khác của EC, các hãng hàng không sẽ phải tăng cường sử dụng các loại nhiên liệu sinh học, đồng thời phải trả phí cao hơn cho lượng khí thải mà họ thải ra. Đề xuất này kêu gọi đánh thuế đối với nhiên liệu dùng cho các chuyến bay nội khối, vốn hiện không phải chịu thuế trên toàn EU.

Một đề xuất khác yêu cầu các nhà cung cấp phải trộn tối thiểu 2% nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) vào dầu hỏa từ năm 2025, và tỷ lệ này sẽ tăng lên 5% vào năm 2030 và 63% vào năm 2050.

Trong nỗ lực nhằm cải cách thị trường carbon của EU, EC đề xuất từ nay đến năm 2026 loại bỏ dần giấy phép CO2 miễn phí cho các hãng hàng không có chuyến bay nội khối đang được hưởng giấy phép này. Điều này sẽ buộc các hãng phải trả nhiều hơn cho lượng khí thải của mình, và chi phí này có thể bị chuyển sang cho người tiêu dùng thông qua giá vé cao hơn.

Ngoài ra, để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, EC đã đặt ra một mục tiêu tham vọng hơn là nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng nhiên liệu tiêu thụ của khối lên 40% từ nay đến năm 2030, cao hơn mục tiêu được đặt ra trước đó là 32% và mức khoảng 20% của năm 2019.

Tất cả các đề xuất trong gói biện pháp khí hậu mới nhất của EC sẽ cần phải được đàm phán và nhận được sự phê chuẩn của các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu (EP), một quá trình có thể mất khoảng hai năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục