EU kêu gọi xây dựng khung pháp lý toàn cầu về công bằng khí hậu

Báo cáo hối thúc Brussels có nhiều hành động thiết thực hơn nữa để giải quyết mối liên quan giữa quyền con người và các vấn đề khí hậu ngay trong chính sách của khối.
EU kêu gọi xây dựng khung pháp lý toàn cầu về công bằng khí hậu ảnh 1Băng trôi tại Greenland, gần Kulusuk. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 19/5, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua một báo cáo kêu gọi Liên hợp quốc xây dựng một khung pháp lý toàn cầu để thúc đẩy công bằng khí hậu, qua đó giải quyết tình trạng bất công khi những nước và những cộng đồng gây tác động biến đổi khí hậu ít nhất lại phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Báo cáo hối thúc Brussels có nhiều hành động thiết thực hơn nữa để giải quyết mối liên quan giữa quyền con người và các vấn đề khí hậu ngay trong chính sách của khối, như việc lập danh sách các nước mà EU sẽ tăng cường hỗ trợ các nhà hoạt động và người dân bản địa trong việc bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, cũng trong cuộc họp này, các nghị sỹ EU đã phủ quyết một báo cáo khác có nội dung giải quyết những tác động của biến đổi khí hậu đối với các nước đang phát triển và kêu gọi EU tăng hỗ trợ tài chính giúp các nước này ứng phó.

Hiện EU và các nước thành viên trong khối gộp lại là nhóm đóng góp lớn nhất cho nguồn tài chính chống biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển. Tuy nhiên, tất cả các nền kinh tế lớn đang chịu sức ép tăng các khoản đóng góp - động thái được xem là mấu chốt để thúc đẩy cắt giảm khí thải tại các nền kinh tế mới nổi.

Trên thực tế, bão lũ, khô hạn, cháy rừng, nước biển dâng… các hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra ngày càng nhiều với sự ảnh hưởng lớn hơn. Nguyên nhân chính là do tình trạng biến đổi khí hậu. Mặc dù cộng đồng quốc tế đã đạt thỏa thuận hạn chế khí thải để giữ nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2°C do với thời kỳ tiền công nghiệp, song khoảng cách giữa cam kết và hành động vẫn còn rất lớn. Vấn đề công bằng khí hậu ngày càng cấp thiết, trước hết đối với các nhóm yếu thế, nước nghèo - nạn nhân hàng đầu của biến đổi khí hậu.

[IEA: Cơ hội để đạt mức phát thải ròng bằng 0 ngày càng nhỏ]

Theo một báo cáo công bố năm 2006, nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 2°C sẽ làm thiệt hại 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn thế giới, trong đó GDP của châu Phi thiệt hại tới 4% và GDP của Ấn Độ thiệt hại 5%. Báo cáo chỉ ra rằng người nghèo dễ bị tổn hại hơn người giàu.

Ví dụ trong trận bão Mitch tàn phá Honduras năm 1998, trung bình các gia đình nghèo bị mất 20% tài sản, trong khi người giàu thiệt hại 3%. Khí hậu Trái Đất ấm lên càng làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh dịch nguy hiểm vốn tràn lan ở các nước nghèo.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới, từ nay đến năm 2070 khoảng 60% dân số thế giới rất dễ mắc bệnh dịch do hiện tượng Trái Đất ấm lên.

Nhiệt độ Trái Đất tăng dẫn đến hệ quả tan băng và gây lụt lội. Theo các nhà nghiên cứu, các nước nghèo bị ngập lụt nhiều nhất. Trong khi đó, ngân sách quốc gia của các nước này hạn hẹp nên không tự bảo vệ được mình. Những tác động về thời tiết do hiện tượng Trái Đất ấm lên sẽ gây tổn hại sản xuất nông nghiệp, trong khi dân số thế giới ngày một tăng.

Theo số liệu trên trang web climatescience.org cập nhật năm 2020, Trung Quốc là nguồn phát thải khí CO₂ lớn nhất thế giới, chiếm hơn 25%. Tiếp theo là Mỹ chiếm 15%, và khối EU (bao gồm Anh) 10%, Ấn Độ 7% và Nga 5%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục