Festival Huế: Âm nhạc Bắc Mỹ cuốn hút giới trẻ

Đến Festival Huế 2010, tối 10/6, ban nhạc đến từ Mỹ, Cuba, Haiti đã cuốn hút khán giả từ những âm điệu bản địa đến những ca khúc mới.
Đến với Festival Huế 2010, tối 10/6, các ban nhạc đến từ Mỹ, Cuba, Haiti đã cuốn hút khán giả từ những âm điệu bản địa đến những ca khúc mới.

Các buổi biểu diễn của họ diễn ra gần như xuyên suốt Festival và đã thu hút đông đảo công chúng nhất là giới trẻ đến xem.

Ban nhạc Kimion William & Kimotion vs2 của Mỹ, gây bất ngờ khi họ giới thiệu nhạc phẩm mới của mình với chủ đề “câu chuyện về Huế.” Ý tưởng này bắt nguồn từ đêm biểu diễn duy nhất của họ tại Festival Huế 2008.

Chủ đề dân gian và cảm thụ từ rock/pop, những buổi hòa nhạc của Kimion William & Kimotion vs2 được thể hiện bằng những câu chuyện kể có tính chất giai thoại đan xen với phần diễn xuất âm nhạc. Đó là những câu chuyện kể về Huế, tình yêu, chiến tranh và khát vọng hòa bình cho thế giới.

Kimion William & Kimotion vs2 biểu diễn những tác phẩm nổi tiếng như Little Wing; Angel; Manic Depressio… Bên cạnh đó, họ còn đem đến sự trẻ trung, tươi mới nhờ sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa guitar, trumpet, saxophone… hòa cùng nhịp trống jazz đã tạo cảm xúc mạnh cho đông đảo người xem.

Chị Đặng Thị Huyền Trang đến từ Hà Nội có mặt trong những buổi biểu diễn cho biết có thể nhiều câu từ tôi chưa thể hiểu hết nghĩa nhưng họ đã hết mình vì những ca khúc đang biểu diễn, đó là điều tôi thích nhất. Điều đó khiến tất cả những ai xem đều rất ấn tượng và thân thiện.

Ban nhạc Los Tradicionales đến từ Cuba gồm năm thành viên, lại tạo được ấn tượng qua những giai điệu đặc trưng cùng với các nhạc cụ bản địa guitar, marimbula, requinto-guitar (guitar bốn dây), macaras và trống bongo. Họ đã tạo thu hút công chúng từ việc chơi nhạc dân giã, ngẫu hứng và hết mình.

Cũng tạo được ấn tượng từ phong cách biểu diễn nhạc đồng quê, nghệ sĩ Bé Lo của Haiti, lại có phong cách âm nhạc “ragganga" - kết hợp giữa reggae, ragga, blues, jazz và Raras, nhịp điệu truyền thống đạo Vôđu...

Anh hát bằng tiếng mẹ đẻ của mình - tiếng crêôn phong phú và đầy màu sắc.

Sinh viên Lê Thị Ý Nhi, Học viện Âm nhạc Huế cảm nhận âm nhạc châu Mỹ có gì đó hơi xa lạ và bí hiểm với người Việt Nam. Nhưng các nghệ sĩ khi biểu diễn họ như thổi hồn vào ca khúc nên đã đưa âm nhạc tưởng như xa lạ đó đi sâu vào cảm xúc mỗi người./.

Nguyên Lý (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục