FPT kỳ vọng tăng trưởng mạnh năm 2021 với công nghệ là động lực chính

Năm 2021, FPT đặt mục tiêu doanh thu đạt 34.720 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.210 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 16,4% và 18% so với cùng kỳ.
FPT kỳ vọng tăng trưởng mạnh năm 2021 với công nghệ là động lực chính ảnh 1Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc FPT cho biết: 'Năm 2020 là cơ hội chưa từng có cho FPT'. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngày 8/4, Tập đoàn FPT (mã chứng khoán FPT) đã tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên 2021.

Công nghệ là động lực tăng trưởng chính

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT, Tập đoàn FPT xác định khối Công nghệ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với hướng đi mũi nhọn là dịch vụ chuyển đổi số và nhóm sản phẩm, giải pháp Made by FPT.

[FPT - công ty VN30 đầu tiên tổ chức đại hội cổ đông trực tuyến]

Để đạt được mục tiêu trên, FPT xây dựng các chương trình hành động cân bằng/toàn diện ở cả ba khía cạnh kinh doanh, công nghệ và con người. Cụ thể, ở khía cạnh kinh doanh, tập đoàn này sẽ tập trung cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số toàn diện từ khâu tư vấn đến triển khai; phát triển mở rộng nhóm các giải pháp Made by FPT.

Năm 2020, doanh thu từ hệ sinh thái 77 sản phẩm, giải pháp Made by FPT tăng trưởng 51% và được xem là một trong những động lực tăng trưởng mũi nhọn quan trọng của Tập đoàn trong dài hạn.

Ở khía cạnh công nghệ, FPT tập trung phát triển theo hai hướng là phát triển các nền tảng, công nghệ lõi và gia tăng trải nghiệm khách hàng, hiệu quả vận hành dựa trên công nghệ, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển chuyên sâu các giải pháp dựa trên công nghệ AI, Cloud, Blockchain,… 

Tăng sức mạnh đội ngũ nhân sự chuyên sâu

Ở khía cạnh con người, FPT đẩy mạnh hơn nữa sức mạnh đội ngũ kỹ sư, chuyên gia có kinh nghiệm chuyên sâu về công nghệ trong các ngành nghề và kinh nghiệm thực tiễn.

Trong năm 2020, tập đoàn đã thành công trong việc thu hút đội ngũ các tiến sỹ, kỹ sư công nghệ đầu ngành trong các mảng AI, Cloud trên toàn cầu, góp phần tạo giá trị gia tăng cho các dự án trong dài hạn. Tập đoàn này không ngừng bổ sung và luân chuyển đội ngũ lãnh đạo nhằm dẫn dắt FPT vượt qua khó khăn, duy trì tăng trưởng.

FPT kỳ vọng tăng trưởng mạnh năm 2021 với công nghệ là động lực chính ảnh 2Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT tại Đại hội cổ đông năm 2021. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT cho biết: "Năm 2020, là một năm lửa thử vàng, đặt ra thách thức chưa từng có cho các doanh nghiệp. Nhưng chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội chưa từng có cho FPT khi tất cả các tổ chức, doanh nghiệp, quốc gia đều chuyển đổi số, họ đầu tư trung bình 15 tỷ USD mỗi tuần cho công nghệ thông tin trong COVID-19. Với vị thế công ty dẫn dắt chuyển đổi số, FPT chắc chắn là tâm điểm của xu thế toàn cầu này. Chúng tôi quyết tâm biến cơ hội thành hiện thực bằng các quyết sách và hành động kịp thời, đúng lúc."

Trả lời câu hỏi của giới đầu tư về việc giải bài toán nhân lực vốn đang rất thiếu hiện nay, trong bối cảnh hàng năm FPT đều đặt mục tiêu tăng trưởng khá cao, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết: Năm 2021, FPT dự kiến tuyển mới 7.000 người để phục vụ mục tiêu tăng trưởng. FPT đang thành lập các trung tâm với nguồn nhân lực lớn tại nhiều quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, Mexico, Costa Rica, Rumani...

Bên cạnh đó, FPT cũng tăng động lực làm việc cho nhân viên thông qua phát hành cổ phiếu ưu đãi ESOP (cổ phiếu phát hành theo chương trình lựa chọn người lao động) và thực hiện hình thức khoán khối lượng công việc.

Đặc biệt, FPT liên tục mở lớp, trường đào tạo và thực hiện đào tạo nhanh, chỉ từ 3-6 tháng có thể làm việc được ngay.

Lọt top 50 Công ty cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số toàn diện 

Tại sự kiện, lãnh đạo FPT cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo đổi mục tiêu dài hạn Top 50 Công ty hàng đầu thế giới về cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số toàn diện vào năm 2030.

Phía FPT xác định chuyển đổi số tiếp tục là trọng tâm trong chu kỳ phát triển tiếp theo và hứa hẹn mang về nguồn thu bền vững trong dài hạn. Chiến lược này được xây dựng dựa trên tiềm năng rộng lớn của thị trường chuyển đổi số toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, cũng như những thế mạnh khác biệt và kết quả tăng trưởng của FPT trong năm 2020.

Năm 2020, dịch vụ chuyển đổi số mang về cho FPT 3.219 tỷ đồng doanh thu. Năm 2021, tập đoàn tiếp tục tập trung cung cấp các giải pháp công nghệ mới, chuyển đổi số toàn diện với mục tiêu thách thức tăng trưởng 50%. FPT cũng chú trọng phát triển các giải pháp Made by FPT, với tăng trưởng doanh thu đặt 50% và có thêm ít nhất 10 sản phẩm, giải pháp mới mỗi năm.

FPT không chỉ là một doanh nghiệp gia công

Giải đáp nghi ngại từ giới đầu tư là FPT liệu có phải là một doanh nghiệp gia công hay không, Chủ tịch Hội Đồng quản trị FPT Trương Gia Bình khẳng định: "FPT không chỉ là doanh nghiệp gia công và thực tế cho thấy FPT vừa đứng ra nhận 'giải cứu' vấn đề nghẽn lệnh trên sàn HOSE trong thời gian 3 tháng, trong khi hệ thống mới triển khai đã nhiều năm vẫn chưa xong."

Làm rõ thêm về  vấn đề nghẽn lệnh giao dịch sàn HOSE,  ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT cho biết: FPT tự tin giải quyết được vấn đề này vì lâu nay FPT đã làm hệ thống lõi giao dịch cổ phiếu cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thậm chí cả hệ thống lõi về quản lý trung tâm lưu ký, quản lý trái phiếu doanh nghiệp, giao dịch phái sinh...

[HOSE và FPT xây dựng hệ thống xử lý 3-5 triệu lệnh mỗi ngày]

Ngoài ra, FPT còn làm hệ thống lõi cho ngành thuế, hải quan, kho bạc và dự trữ quốc gia, với sự kết nối giữa hải quan và kho bạc, giữa ngân hàng với kho bạc...

Mục tiêu tăng trưởng bền vững

Công bố tại Đại hội Cổ đông, ông Nguyễn Văn Khoa cho biết trong năm 2021, FPT đặt kế hoạch tăng trưởng bền vững với doanh thu tăng 16,4% và lợi nhuận trước thuế tăng 18%, tiếp tục đảm bảo tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt ở mức 20%, trong bối cảnh COVID-19 chưa hoàn toàn được kiểm soát.

Đây cũng sẽ là mức tăng trưởng bền vững FPT mong muốn duy trì trong dài hạn, đặc biệt là khi thế giới đang bước vào kỷ nguyên số, thời cơ vàng cho các công ty công nghệ như FPT./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục