Chiều 25/2, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối 65 điểm cầu trên cả nước, sơ kết Quy định 98-QĐ/TW ngày 7/10/2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương, qua gần 5 năm thực hiện Quy định 98-QĐ/TW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị đã thực hiện luân chuyển 13.503 lượt cán bộ. Trong đó, Ban Tổ chức Trung ương tham mưu trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, phân công bố trí công tác và thực hiện chế độ chính sách đối với 55 cán bộ Trung ương luân chuyển.
Qua thực hiện, Quy định 98 đã giúp công tác luân chuyển cán bộ đi vào nền nếp, có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực và đạt kết quả tốt; chất lượng cán bộ luân chuyển được nâng lên một bước, phần đông cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực, uy tín, chấp hành sự phân công, bố trí công tác của cấp có thẩm quyền.
Việc luân chuyển cán bộ được cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo bài bản, dân chủ, chặt chẽ, đồng bộ, khách quan, công khai, công tâm, minh bạch.
[Luân chuyển vị trí công tác để phát huy năng lực, sở trường của cán bộ]
Hội nghị cũng nhìn nhận, đánh giá những mặt hạn chế, bất cập trong thực hiện Quy định 98-QĐ/TW. Đó là chưa tạo được sự chủ động trong việc đưa cán bộ đi luân chuyển do phải chờ các địa phương khuyết chức danh; việc xử lý hài hòa giữa luân chuyển cán bộ với đào tạo, sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ và gắn với chức danh quy hoạch còn bất cập, hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó, một số cán bộ luân chuyển chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, chưa nắm chắc các quy định, quy chế, nguyên tắc trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc.
Có không ít cán bộ còn nhận thức đi luân chuyển để được đề bạt lên chức vụ cao hơn, vì vậy có biểu hiện nể nang, ngại va chạm, thiếu quyết liệt, giữ mình “chờ ngày về.”
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy định, kết luận của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt không là người địa phương, Ban Tổ chức Trung ương kiến nghị Bộ Chính trị cho chủ trương tiếp tục luân chuyển cán bộ từ Trung ương về địa phương và điều động cán bộ từ địa phương về các cơ quan Trung ương hoặc địa phương khác, từ địa phương về cơ sở và ngược lại.
Xem xét, luân chuyển một số cán bộ trẻ cấp vụ trưởng trở lên, có phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực nổi trội công tác ở các lĩnh vực trọng yếu, quan trọng hiện thiếu nguồn cán bộ kế cận…
Tham luận tại hội nghị, đại diện các tỉnh ủy, thành ủy và các bộ, ngành đã nêu nhiều kiến nghị về công tác luân chuyển gắn với công tác quy hoạch cán bộ; đồng thời kiến nghị Trung ương sớm ban hành quy định về chế độ cho cán bộ luân chuyển và thống nhất thực hiện trên toàn quốc…
Theo Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà, trong quá trình triển khai Quy định còn tồn tại hạn chế như một số cán bộ luân chuyển chưa thường xuyên giữ mối liên hệ và kịp thời báo cáo tình hình, kết quả công tác trong thời gian luân chuyển với cơ quan nơi đi, do đây là việc làm khó, vì vậy nên thay việc báo cáo với cơ quan nơi đi bằng việc báo cáo với cơ quan có thẩm quyền cụ thể là Ban Tổ chức.
Đối với Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy định về luân chuyển cán bộ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ninh Bình đưa ra một số đề xuất, kiến nghị, Dự thảo cần làm rõ hơn quy định về “người địa phương,” “cán bộ trẻ” cần có những tiêu chuẩn như thế nào; cần bổ sung đối tượng ưu tiên luân chuyển là cán bộ trẻ, cán bộ nữ và người dân tộc thiểu số...
Ghi nhận ý kiến phát biểu của các địa phương và bộ, ngành Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm; đồng thời giao tổ biên tập tổng hợp, tiếp thu tối đa để hoàn thiện báo cáo sơ kết Quy định 98-QĐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ./.