Gặp lại nữ tình báo

Gặp lại nữ tình báo bí danh B3 - Nguyễn Thị Út

Cách đây hơn 35 năm, nữ tình báo Nguyễn Thị Út với bí danh B3 đã đóng góp sức mình cho Đại thắng 30/4, giải phóng miền Nam.
Cách đây hơn 35 năm, nữ tình báo Nguyễn Thị Út (hiện ngụ tại xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa , Long An) đã góp phần đánh bật nhiều cuộc tấn công của địch và đóng góp sức mình cho Đại thắng mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nữ tình báo Nguyễn Thị Út (tức Nguyễn Thị Ba) năm nay đã ở tuổi 94, tuy tuổi cao nhưng bà rất minh mẫn và nhớ như in những kỷ niệm thời hoạt động cách mạng.

Bà Nguyễn Thị Út sinh ra trong một gia đình đông anh em ở xã Hựu Thạnh (Đức Hòa, Long An). Bà là người con thứ mười một nên được gọi thân mật là bà Út. Sở dĩ bà có tên Nguyễn Thị Ba là do các đồng đội ghép thứ của chồng bà, tức ông Trần Văn Phước (hay gọi Ba Phước), một chiến sĩ cách mạng bị tù côn đảo.

Năm 18 tuổi, bà đi theo cách mạng vì thấy kẻ thù hành hạ, giết đồng bào dã man. Chỉ hai năm công tác, bà vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản và là một trong những người thành lập chi bộ đầu tiên ở xã Hựu Thạnh.

Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ nhưng sau đó bị địch khống chế nên bà Út được giao nhiệm vụ đi các tỉnh để nắm tình hình và gây dựng lại cơ sở.

Năm 1945, Cách mạng Tháng 8 bùng nổ, bà được tổ chức tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Hội phụ nữ Sài Gòn-Gia Định, đồng thời nhận nhiệm vụ vận động thanh niên đô thành lên đường kháng chiến.

Ba năm sau, bà được điều về Hội phụ nữ tỉnh Long An, rồi chuyển sang làm công tác mật ở Rạch Giá (Kiên Giang).

Đến năm 1958, sau khi qua khóa tập huấn nghiệp vụ tình báo tại Châu Đốc-Hồng Ngự (Đồng Tháp), bà được điều trở lại Sài Gòn với bí danh B3.

Khi được hỏi về điều khiến bà nhớ nhất trong quá trình họat động tình báo, bà Út cho biết: “ Với mâm đồ trang sức bằng vàng giả, tôi đã qua mắt được bọn giặc để bảo vệ những thông tin tối mật với các đồng chí, đặc biệt là đối với đồng chí Phạm Xuân Ẩn- nhà tình báo chiến lược, Anh hùng lực lượng vũ trang.”

Suốt 35 năm liên tục hoạt động trong vùng địch kiểm soát, khi làm giao liên bí mật ở Sài Gòn, nữ tình báo Nguyễn Thị Út luôn nêu cao tinh thần tuyệt đối trung thành với Đảng, hết lòng phục vụ sự nghiệp cách mạng, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Chính vì vậy, vào năm 1976 bà được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Sau hòa bình, bà Út tiếp tục tham gia vào các hoạt động của các tổ chức hội tỉnh Long An và chính thức nghỉ vào năm 1980 vì lý do sức khỏe.

Tuy nhiên trong những ngày lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước, bà đều tham dự để gặp lại đồng chí, đồng đội cùng ôn lại những năm tháng hào hùng.

Nữ anh hùng Nguyễn Thị Út rất tin tưởng và hy vọng vào thế hệ trẻ - những người chủ tương lai của đất nước. Bà nhắn nhủ, thế hệ sinh được ra, sống và học tập trong thời bình cần tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần cách mạng, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước.

Bà Út cũng rất vui mừng vì hiện nay Long An đã có một số cán bộ lãnh đạo của các huyện, thành phố, ban ngành tỉnh có tuổi đời còn rất trẻ. Và như thế Long An sẽ không ngừng phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hội nhập vào xu thế chung là công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước./.

Thanh Bình (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục