Gaza đang trở thành “nghĩa địa ngoài trời” lớn nhất thế giới

Khi xung đột kéo dài sang tháng thứ sáu và các bên tham chiến vẫn tỏ ra cứng rắn, chưa rõ khi nào bi kịch của người dân Gaza mới có thể chấm dứt.

Cứu trợ các nạn nhân tại hiện trường đổ nát sau vụ không kích của Israel xuống trại tị nạn Nuseirat ở Dải Gaza, ngày 20/3/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Cứu trợ các nạn nhân tại hiện trường đổ nát sau vụ không kích của Israel xuống trại tị nạn Nuseirat ở Dải Gaza, ngày 20/3/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

“Hãy đi kiểm tra tất cả các khu chợ, bạn sẽ không thể tìm thấy một hộp đậu nào cho bọn trẻ ăn. Không có thức ăn, không có nước uống, không có gì cả.”

Đây là chia sẻ của anh Basel al-Soueidi, hiện đang sống trong trại tị nạn Jabalia ở phía Bắc Dải Gaza.

Sống tạm bợ trong căn lều thiếu thốn mọi thứ, anh al-Soueidi còn phải chịu nỗi đau mất 17 người thân do xung đột.

“Tất cả anh em họ của tôi đã chết. Chúng tôi thường tụ tập trong tháng lễ Ramadan, nhưng giờ không còn ai nữa,” anh al-Soueidi nói.

Những người thân đã qua đời của al-Soueidi nằm trong số hơn 31.000 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, thiệt mạng kể từ khi xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas bùng phát ngày 7/10 năm ngoái.

Sáu tháng sau khi giao tranh nổ ra và cũng gần 2 tuần kể từ khi bắt đầu tháng lễ Ramadan linh thiêng nhất của người Hồi giáo, chiến sự vẫn tiếp diễn ác liệt. Ngay trong ngày 11/3, ngày đầu tiên của tháng lễ Ramadan, 67 người Palestine được cho là đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel ở Gaza.

Như lời Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và đối ngoại Josep Borrell, Gaza đang trở thành “nghĩa địa ngoài trời” lớn nhất thế giới, nghĩa địa của hàng chục nghìn người và cũng là nghĩa địa của nhiều nguyên tắc quan trọng nhất của luật nhân đạo.

ttxvn_gaza_3.jpg
Trẻ em Palestine chờ nhận thực phẩm cứu trợ tại thành phố Rafah, Dải Gaza ngày 18/3/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo báo cáo do Liên hợp quốc hỗ trợ thực hiện, khoảng 50% dân số tại Dải Gaza, tức 1,1 triệu người, đang đối mặt với nạn đói thảm khốc. Tình hình ở phía Bắc Gaza còn nghiêm trọng hơn. Nạn đói có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong giai đoạn từ giữa tháng Ba này đến tháng Năm tới, khi 300.000 người đang bị mắc kẹt trong giao tranh và không thể tiếp cận với viện trợ.

Ảnh hưởng của nạn đói mỗi lúc một nặng nề, thể hiện ở tình trạng trẻ sơ sinh tử vong do có cân nặng quá thấp khi mới chào đời.

Đã có khoảng 13.000 trẻ em thiệt mạng ở Gaza, và con số này còn có thể tăng cao hơn nữa do nạn đói rình rập.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết khoảng 10% trẻ em dưới 5 tuổi ở Gaza bị suy dinh dưỡng trầm trọng, trong khi cứ 6 trẻ dưới 2 tuổi thì có một em bị suy dinh dưỡng cấp tính.

Khi đến khu chăm sóc trẻ em bị thiếu máu nặng, suy dinh dưỡng, Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell bàng hoàng vì sự im lặng tuyệt đối, bởi các em thậm chí không có sức để khóc.

Ngoài nạn đói, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm ngày càng tăng. 9/10 trẻ em dưới 5 tuổi ở Gaza, tức khoảng 220.000 em, đã bị ốm trong những tuần gần đây. Lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cần thiết khan hiếm, trong khi điều kiện y tế lại vô cùng hạn chế.

Liên hợp quốc đánh giá hệ thống y tế tại Gaza về cơ bản đã sụp đổ khi chỉ còn một vài bệnh viện hoạt động cầm chừng.

Ông Fayik al-Kufarnah, một người tị nạn tại trại Jabalia, bất lực cho biết: “Chúng tôi thà chết còn tốt hơn sống trong tình cảnh này.” Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Turk đã khẳng định, “những gì xảy ra ở Gaza đã vượt quá sức chịu đựng, không thể diễn tả bằng lời và cần phải chấm dứt ngay lập tức.”

Thực tế thảm khốc nêu bật tính cấp bách của việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức. Tuy nhiên, triển vọng về một lệnh ngừng bắn vẫn mờ mịt, bất chấp nỗ lực đàm phán của các bên trung gian chính, gồm Mỹ, Ai Cập và Qatar.

Sau nhiều lần thất bại, các cuộc đàm phán tiếp tục diễn ra ở Qatar, tập trung vào lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần, nhằm cho phép thả 40 con tin Israel để đổi lấy hàng trăm tù nhân Palestine bị giam giữ, mở đường cho việc tăng cường vận chuyển viện trợ.

Theo đề xuất của Hamas, lệnh ngừng bắn sẽ được chia thành 3 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, Israel phải rút khỏi al-Rashid và Salah al-Din - hai tuyến đường cao tốc chính nối miền Nam với miền Bắc - để cho phép những người Palestine di tản trở về nhà, tạo điều kiện cung cấp viện trợ. Hamas sẽ thả các con tin đầu tiên gồm phụ nữ và trẻ em, đổi lấy hàng trăm tù nhân Palestine.

Trong giai đoạn thứ hai, lệnh ngừng bắn vĩnh viễn phải được công bố trước khi Hamas thả thêm bất kỳ con tin nào. Giai đoạn thứ ba liên quan đến việc Israel dỡ bỏ bao vây Gaza và bắt đầu xây dựng lại vùng đất này.

Đáp lại, Văn phòng Thủ tướng Israel gọi đề xuất của Hamas là dựa trên “những yêu cầu phi thực tế.” Tiến sỹ Harel Chorev tại Đại học Tel Aviv nhận định rằng có “ranh giới đỏ” mà Chính phủ Israel sẽ không chấp nhận, đó chính là ngừng bắn vĩnh viễn.

Israel cũng khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến dịch tại Rafah, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, dù một chiến dịch trên bộ ở Rafah sẽ "kích hoạt" cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ và cản trở mọi cuộc thảo luận về lệnh ngừng bắn.

Tuy nhiên, sau những tuyên bố cứng rắn về mục tiêu “xóa sổ hoàn toàn Hamas,” Israel vẫn cử một phái đoàn do người đứng đầu cơ quan tình báo nước này dẫn đầu tới Qatar. Đây có thể được xem là động thái nhượng bộ của phía Israel, dù quá trình thu hẹp những bất đồng cơ bản giữa Tel Aviv và Hamas được dự báo còn rất nhiều chông gai.

Động thái này cũng diễn ra trong bối cảnh, đồng minh lâu năm của Israel là Mỹ, gần đây đang gây sức ép nhiều hơn đối với chính quyền Tel Aviv.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến công du khu vực Trung Đông lần thứ sáu kể từ khi xung đột Hamas-Israel bùng phát.

Theo ông Blinken, “các nhà đàm phán đang tiếp tục thúc đẩy một thỏa thuận ở Doha. Khoảng cách đang thu hẹp. Vẫn còn nhiều việc khó khăn, nhưng tôi tin rằng có thể đạt được thỏa thuận."

ttxvn_ngoai_truong_my.jpg
Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại cuộc họp báo chung ở Cairo, Ai Cập, ngày 21/3/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoài nỗ lực ngoại giao con thoi, Mỹ lần đầu tiên trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc một dự thảo nghị quyết về lệnh ngừng bắn tại Gaza, như một thông điệp thay đổi lập trường sau nhiều lần phủ quyết các dự thảo bao gồm lời kêu gọi ngừng bắn.

Khi xung đột kéo dài sang tháng thứ sáu và các bên tham chiến vẫn tỏ ra cứng rắn, chưa rõ khi nào bi kịch của người dân Gaza mới có thể chấm dứt.

Trong thông điệp nhân tháng lễ Ramadan, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi thế giới chung tay hỗ trợ những người đang phải gánh chịu nỗi đau chồng chất ở Gaza, hy vọng tháng lễ linh thiêng này sẽ mang lại hòa bình.

Ông Antonio Guterres nói trong thời điểm thử thách này, tinh thần của tháng lễ Ramadan là ngọn hải đăng của niềm hy vọng để hàn gắn những chia rẽ. Ramadan là hiện thân của các giá trị hòa bình, và khát vọng hòa bình, bắt đầu từ một lệnh ngừng bắn tạm thời, cũng là mong mỏi của người dân Gaza. Nếu các bên không nhượng bộ, cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza sẽ tiến tới điểm không thể vãn hồi. “Tương lai của cả một thế hệ đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng,” và chỉ có thể tránh được kịch bản này nếu Israel và Hamas ngừng bắn ngay lập tức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục