Ghi danh Lễ hội đền Đông Cuông là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia

Bản sắc văn hóa trong Lễ hội đền Đông Cuông đã và đang được cộng đồng duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt.

Ghi danh Lễ hội đền Đông Cuông là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ảnh 1Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng (bên phải) trao chứng nhận “Lễ hội Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho đại diện tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Tối 1/2, tại Đền Đông Cuông, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ công bố Quyết định ghi danh “Lễ hội Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia và Khai mạc Lễ hội Đền Đông Cuông năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy; lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh; lãnh đạo các ngành, địa phương trong tỉnh cùng đông đảo du khách thập phương và nhân dân đã dự lễ.

Đền Đông Cuông từ lâu đã nổi danh là một trong những ngôi đền cổ linh thiêng, một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của vùng Tây Bắc.

Lễ hội đền Đông Cuông là một trong những lễ hội có lịch sử lâu đời, kết hợp nhiều tín ngưỡng dân gian bản địa từ tục thờ thủy thần tới thờ Mẫu Thượng ngàn - Đông Cuông công chúa, tín ngưỡng thờ các anh hùng văn hóa (như thần Vệ Quốc - Ngũ Vị Tôn Ông) và các vị anh hùng dân tộc (Hà Bổng, Hà Đặc, Hà Chương...) cùng nhiều lớp tín ngưỡng dân gian khác và đã bắt rễ trong tâm thức của đồng bào nơi đây.

Theo sử sách, thư tịch cổ, Đền Đông Cuông có từ đời Lê, được phát triển từ một miếu cổ thờ Đông Quang (thuộc trung tâm trại Quy Hóa thời Trần).

Đền Đông Cuông tọa lạc bên bờ sông Hồng, thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, xung quanh có đại ngàn bao phủ.

Đền có dáng dấp kiến trúc của đền chùa truyền thống, góc mái ngói cong và hình lưỡng long chầu nhật, các cột đền được làm bằng gỗ tứ thiết, được sơn son thiếp vàng hình rồng cuốn trang nghiêm.

Đền Đông Cuông là cụm di tích gồm 4 điểm, ngoài đền Chính còn có miếu Cô, miếu Cậu và miếu Đức Ông (tọa bên hữu ngạn sông Hồng đối diện với ngôi đền Chính về hướng nam cách 150m đường chim bay thuộc cụm di tích đền Đông Cuông).

Ghi danh Lễ hội đền Đông Cuông là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ảnh 2Lễ hội truyền thống Đền Đông Cuông giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Hàng năm, cứ Xuân Thu nhị kỳ, vào đầu năm bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch và cuối năm từ tháng Tám đến tháng 12 âm lịch, các thanh đồng trên mọi miền đất nước thường về đền Đông Cuông để lễ Mẫu và “bắc ghế hầu Thánh.”

Lễ hội truyền thống đền Đông Cuông giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng.

[Lễ hội đền Đông Cuông - Điểm nhấn hành trình du lịch văn hóa tâm linh]

Bản sắc văn hóa trong Lễ hội đền Đông Cuông đã và đang được cộng đồng duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt.

Hàng trăm năm qua, Lễ hội đền Đông Cuông đã trở thành sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của cộng đồng các dân tộc là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng các dân tộc.

Với giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học tiêu biểu, ngày 16/1/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định ghi danh Lễ hội đền Đông Cuông vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Trao chứng nhận ghi danh “Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề nghị tỉnh Yên Bái cần xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Lễ hội đền Đông Cuông để có các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình cụ thể cho các hoạt động bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị tốt đẹp của lễ hội trong đời sống văn hóa của cộng đồng gắn với phát triển kinh tế xã hội và du lịch.

Ghi danh Lễ hội đền Đông Cuông là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ảnh 3Nhiều tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc tại Lễ hội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Khán giả cũng được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc, hoành tráng với chủ đề “Linh thiêng thánh Mẫu Thượng Ngàn," gồm 3 chương: Múa kịch sử thi Truyền tích mẫu Đông Cuông với màn nhạc vũ kịch kết hợp âm nhạc, múa giới thiệu về truyền tích Mẫu Đông Cuông và đền Đông Cuông; “ Linh thiêng đất Mẫu” với màn múa, hát chèo Văn Yên vào hội, màn hát múa Giá Mẫu Đông Cuông; “Văn Yên ngày mới” thể hiện bằng các tác phẩm hát, múa hiện đại ca ngợi mùa Xuân, ca ngợi quê hương Văn Yên, Yên Bái đang từng ngày khởi sắc.

Chương trình Lễ hội Đền Đông Cuông diễn ra trong hai ngày 1-2/2/2023 (tức ngày 11 và 12 tháng Giêng) với nhiều hoạt động đặc sắc khác như nghi lễ dâng trâu tế thần theo truyền thống tại cây mít cổ thụ trước cửa đền chính - Đền Đông Cuông; Lễ dâng Chúc văn; Nghi lễ rước Mẫu sang Sông; Nghi lễ cúng chính tiệc và các hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục