Giá dầu thế giới phiên 17/11 chạm mức thấp nhấp trong sáu tuần

Giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,36 USD, hay 1,7%, xuống 81,05 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 1/10. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,4 USD, hay 3%, và khép phiên ở mức 78,36 USD.
Giá dầu thế giới phiên 17/11 chạm mức thấp nhấp trong sáu tuần ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch 17/11, sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo khả năng sớm xảy ra tình trạng dư thừa nguồn cung, trong khi số ca mắc COVID-19 gia tăng ở châu Âu phủ bóng liên triển vọng phục hồi của nhu cầu.

Vào lúc 0 giờ 18 phút ngày 18/11 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,36 USD, hay 1,7%, xuống 81,05 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 1/10. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,4 USD, hay 3%, và khép phiên ở mức 78,36 USD/thùng, mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 7/10.

Thời gian qua, thị trường dầu toàn cầu đã tập trung vào sự gia tăng nhanh chóng trong nhu cầu, trong khi nguồn cung từ OPEC và các nước sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, lại tăng chậm, và các công ty dầu đá phiến lớn của Mỹ cũng không muốn đầu tư quá nhiều vào hoạt động khoan dầu.

Tuy nhiên, IEA và OPEC trong vài tuần gần đây lại cho rằng nguồn cung có thể sẽ gia tăng trong những tháng tới. OPEC+ đã giữ nguyên thỏa thuận tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng để nguồn cung trên thị trường không bị dư thừa.

[Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng trên đà trở lại mức cao kỷ lục]

Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo ngày 16/11 cho biết tổ chức này nhận thấy những dấu hiệu nguồn cung sẽ dư thừa từ tháng tới, và các nước thành viên và đồng minh sẽ phải rất thận trọng với việc này.

IEA cũng đã dự đoán rằng nguồn cung dầu của Mỹ sẽ tăng nhanh hơn trong quý II/2022, và số giàn khoan của nước này cũng đang tăng lên, khi các công ty dầu tư nhân muốn tận dụng giá cao.

IEA dự đoán sản lượng dầu của Mỹ sẽ chiếm khoảng 60% trong mức tăng trưởng nguồn cung ước tính 1,9 triệu thùng/ngày của các nước ngoài OPEC trong năm 2022.

Trong khi đó, làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới ở châu Âu đang khiến chính phủ nhiều nước phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế, trong đó Áo đã ban hành lệnh phong tỏa đổi với những cá nhân chưa tiêm vaccine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục