Giấc mơ dang dở của Jack Ma về một đế chế truyền thông hiện đại

Việc Tập đoàn Alibaba bao trùm nhiều nghiệp vụ, kiểm soát nhiều nền tảng xã hội và phương tiện truyền thông Trung Quốc có thể là một “quả bom hẹn giờ” nguy hiểm.
Nhà sáng lập tập đoàn Alibaba Jack Ma. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhà sáng lập tập đoàn Alibaba Jack Ma. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ The Wall Street Journal dẫn nguồn tin tin cậy cho hay Chính phủ Trung Quốc ngày càng lo ngại về sức ảnh hưởng của Alibaba đối với dư luận, nên đã yêu cầu tập đoàn này rút khỏi lĩnh vực truyền thông đang kiểm soát.

Việc thông tin này được phát đi đã phơi bày cho công chúng một "khuôn mặt" khác của Alibaba, đó là nổi lên từ thương mại điện tử, nhưng đằng sau lại là một đế chế truyền thông khổng lồ.

Theo báo cáo độc quyền của The Wall Street Journal, từ đầu năm nay, các cơ quan quản lý giám sát của Trung Quốc đã thẩm tra danh sách những công ty truyền thông trực thuộc Alibaba và cảm thấy “giật mình” về sự bành trướng trên lĩnh vực truyền thông của tập đoàn này.

Do đó đã yêu cầu Alibaba lên kế hoạch cắt giảm đáng kể các tài sản truyền thông có liên quan.

Nguồn tin trên tiết lộ rằng các cơ quan quản lý chức năng của Trung Quốc cho rằng sức ảnh hưởng của Alibaba đối với truyền thông đã gây nên những thách thức nghiêm trọng đối với Trung Quốc.

Sự bành trướng trên lĩnh vực truyền thông

Alibaba không đưa ra bất cứ bình luận nào liên quan đến các cuộc thương thảo với chính phủ trong việc rút khỏi các tài sản truyền thông, chỉ thông qua một tuyên bố nhấn mạnh tập đoàn này là nhà đầu tư bị động của ngành truyền thông, không can thiệp hoặc tham gia vào hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

Đây cũng là một trở ngại khác mà Alibaba gặp phải sau khi bị cáo buộc vi phạm Luật chống độc quyền của Trung Quốc.

Trên thực tế, sau khi tập đoàn Ant Group của Jack Ma bị đình chỉ niêm yết vào tháng 11/2020, mũi nhọn chống độc quyền của các cơ quan quản lý giám sát Trung Quốc liên tục nhắm vào các ông lớn Internet Trung Quốc.

Ngoài Alibaba, các công ty khác như Tencent, JD.com, Meituan, Pinduoduo… đều lọt vào tầm ngắm.

Các cơ quan chức năng Trung Quốc ngoài quan ngại về vấn đề tư bản chi phối thị trường, thì nguyên nhân sâu xa đằng sau có lẽ là do các ông lớn Internet kiểm soát nguồn tài nguyên khổng lồ, nên những ảnh hưởng của họ có thể gây nên sự uy hiếp đối với quyền lực công.

Hơn nữa, việc một Alibaba bao trùm nhiều nghiệp vụ, kiểm soát nhiều nền tảng xã hội và phương tiện truyền thông Trung Quốc có thể là một “quả bom hẹn giờ” nguy hiểm dưới góc nhìn của chính phủ.

Sự kiện Chủ tịch nền tảng Tmall của Alibaba Tưởng Phàm nghi ngờ ngoại tình và Sina Weibo đã can thiệp bằng cách xóa bỏ các thông tin liên quan đến chủ đề này vào tháng 4/2020 càng làm cho các cơ quan chức năng hoài nghi hơn.

Trên thực tế, đế chế truyền thông của Alibaba không phải được xây dựng trong một sớm một chiều, mà có hoạch định mang tính giai đoạn và chặt chẽ.

Theo các tư liệu liên quan, từ năm 2013 đến nay, Alibaba đã thực hiện nhiều thương vụ đầu tư vào ngành truyền thông Trung Quốc, vừa có truyền thông truyền thống, vừa có truyền thông loại hình mới.

Trong đó, bao gồm China Business Network (CBN), Business Review và ứng dụng chia sẻ video lớn nhất Trung Quốc Youku Tudou.

Ngoài ra, Alibaba còn đầu tư vào một số nền tảng truyền thông xã hội được người dùng Trung Quốc yêu thích như Momo và Sina Weibo.

Năm 2014, Alibaba đổi tên Tập đoàn truyền thông văn hóa Trung Quốc thành Alibaba Pictures.

Năm 2015, Alibaba trở thành cổ đông lớn thứ hai của Enlight Media, công ty từng cho ra đời bộ phim "vua" phòng vé “Lạc lối ở Thái Lan.”

Sau đó, Alibaba còn thực hiện thương vụ đình đám mua lại toàn bộ tờ báo “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” (SCMP) bằng tiếng Anh của Hong Kong (Trung Quốc), cũng như đầu tư sâu vào phần mềm ứng dụng xã hội Snapchat được giới trẻ sinh sau những năm 1990 ở phương Tây sử dụng rộng rãi.

[Alibaba dự kiến huy động 5 tỷ USD giữa lúc ông Jack Ma bị điều tra]

Một số phân tích cho rằng về cơ bản, thị trường của các nền tảng xã hội bằng tiếng Anh ở Trung Quốc là con số 0, do đó việc Alibaba đầu tư vào Snapchat là nhằm nâng cao danh tiếng của công ty ở Mỹ.

Tóm lại, trong hai năm này, bố cục của Alibaba đối với ngành truyền thông có thể nói là “nở rộ,” giống như một nhân viên mới vào nghề, cái gì cũng muốn khám phá và tìm hiểu.

Tuy nhiên, sau năm 2015, Alibaba bắt đầu tăng tốc, tập trung vào các tập đoàn truyền thông then chốt.

Giấc mơ dang dở của Jack Ma về một đế chế truyền thông hiện đại ảnh 1Trung Quốc đã yêu cầu tập đoàn Alibaba rút khỏi lĩnh vực truyền thông đang kiểm soát. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chẳng hạn, ông Jack Ma thông qua Ant Group để đầu tư vào Caixin - một trong những phương tiện truyền thông chuyên về chính trị và kinh tế có sức ảnh hưởng nhất Trung Quốc.

Mặc dù vậy, các báo cáo tài chính cho thấy Ant Group đã bán lại cổ phần tại Caixin vào năm 2019. Alibaba kiểm soát 1/3 cổ phần của Ant Group. Jack Ma là cổ đông chi phối của Ant Group nhưng không phải là thành viên quản trị của công ty.

Đồng thời, Alibaba cũng tăng cường nắm giữ Sina Weibo, hợp tác với tập đoàn truyền thông nhà nước Xinhuanet để thành lập một công ty truyền thông mới với tên gọi Công ty công nghệ truyền thông Tân Hoa.

Một số nhà phân tích cho rằng sự hợp tác này cũng đồng nghĩa với việc Alibaba thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các tờ báo và tạp chí như Tin tức tham khảo, Kinh tế tham khảo, Chứng khoán Trung Quốc… trực thuộc Tân Hoa xã.

Năm 2017, Alibaba thực hiện một thương vụ đầu tư lớn, mua lại 20% mảng kinh doanh tại Trung Quốc của tập đoàn quảng cáo lớn nhất thế giới WPP.

Khi nhắc đến WPP, nhiều người có thể rất lạ lẫm, nhưng giới quảng cáo và truyền thông thì lại quá quen thuộc với tập đoàn này.

Đây là một tập đoàn quảng cáo quốc tế siêu đẳng, sở hữu hàng loạt công ty truyền thông quảng cáo quy mô lớn, nổi bật là Burson-Marsteller, Hill+Knowlton Strategies, Ogilvy Group, J. Walter Thompson (JWT), Mindshare, Brand Union…

Trong đó, Burson-Marsteller có năng lực rất mạnh trong quan hệ công chúng phát triển thương hiệu và quan hệ công chúng với truyền thông, trong khi Ogilvy Group là tập đoàn quảng cáo lừng danh thế giới.

Có được bố cục này cũng đồng nghĩa với việc Alibaba có quyền phát ngôn tương đối quan trọng trên lĩnh vực quảng cáo và quan hệ công chúng.

Giai đoạn 2018-2020, trọng điểm của Alibaba đối với bố cục truyền thông càng tập trung hơn, tập đoàn này bắt đầu đưa các doanh nghiệp truyền thông then chốt và công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán vào dưới trướng kiểm soát của mình.

Năm 2018, Alibaba đầu tư vào Tập đoàn văn hóa Hoa văn. Công ty này được ông lớn truyền thông Lê Thụy Cương, cựu quan chức thành phố Thượng Hải thành lập vào năm 2009, sở hữu nhiều tài sản trong ngành giải trí, bao gồm việc nắm giữ một lượng lớn cổ phần của Công ty phát thanh truyền hình Hong Kong TVB.

Ngoài ra, công ty này còn sở hữu nhà phân phối phim ảnh CMC, công ty sản xuất Gravity Pictures và Pearl Studio, đồng thời cũng là nhà đầu tư quan trọng của Bilibili (web chia sẻ video chủ đề hoạt hình, truyện tranh và trò chơi của Trung Quốc) được thế hệ sinh sau những năm 1990 và 2000 ở Trung Quốc yêu thích.

Cũng trong cùng năm, Alibaba và các bên phối hợp liên quan đã thực hiện thương vụ đầu tư chiến lược 15 tỷ nhân dân tệ vào Focus Media, mạng quảng cáo ngoại tuyến lớn nhất của Trung Quốc.

Theo tiết lộ của tờ The Wall Street Journal, Alibaba nắm giữ khoảng 5,3% cổ phần của Focus Media.

[Trung Quốc chặn IPO của Ant Group, gửi thông điệp đến tỷ phú Jack Ma]

Tháng 12/2020, Alibaba đầu tư và nắm giữ 5% cổ phần của Mango Super Media, một công ty con của Đài Phát thanh và Truyền hình Hồ Nam thuộc sự quản lý điều hành của Chính phủ Trung Quốc.

Một số nhà quan sát nhấn mạnh, từ những thương vụ đầu tư trên cho thấy bố cục chiến lược của Alibaba rõ ràng là đang xây dựng một đế chế truyền thông. Tuy nhiên, công ty này cho rằng chưa bao giờ muốn kiểm soát ngành truyền thông.

Tương lai nào cho Alibaba và các đơn vị truyền thông trực thuộc?

Trong một diễn đàn công khai năm 2017, tỷ phú Jack Ma nói rằng bản thân không bao giờ can thiệp vào hoạt động của ban biên tập và tôn trọng công tác báo chí.

Khi giải thích nguyên nhân mua lại SCMP, ông Jack Ma nói rằng không được để truyền thông sa sút, không được để truyền thông đánh mất chính mình, không được để truyền thông mất đi sự chính trực, khách quan và lý trí vì đồng tiền.

Do đó, sau khi thông tin Alibaba bị yêu cầu phải rút khỏi các tài sản truyền thông được truyền đi, vấn đề liệu SCMP có đổi chủ hay không đã nhanh chóng trở thành tiêu điểm quan tâm của các giới bên ngoài.

Theo Bloomberg, một nhân viên của SCMP nói rằng một số nhân viên của tờ báo lo ngại các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có thể tiếp quản SCMP. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành của SCMP Gary Liu nhấn mạnh công ty không có kế hoạch đổi chủ.

Năm 2015, khi trả lời phỏng vấn tờ Tin tức Bắc Kinh, ông Jack Ma nói rằng sứ mệnh của Alibaba là giúp cho thế giới không gặp khó khăn trong việc kinh doanh.

Alibaba không phải là một đế chế, mà là một hệ sinh thái, giúp các doanh nghiệp có thể tìm được nguồn vốn, khách hàng và dịch vụ hậu cần.

Tỷ phú này nhấn mạnh: “Alibaba không phải là một đế chế, vì đế chế cần phải thôn tính và chiến đấu ác liệt, liệu có bao nhiêu đế chế kết thúc tốt đẹp?”

Ngẫm lại những phát ngôn này của ông Jack Ma, không khỏi khiến cho mọi người cảm thấy vật đổi sao dời. Sau khi Ant Group bị đình chỉ niêm yết vào tháng 11/2020, các thông tin tiêu cực xuất hiện dồn dập.

Có bình luận về cá nhân ông Jack Ma rằng từ ngôi sao sáng công nghệ khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng, dần biến thành một nhà tư bản.

Trong khi đó, những người am hiểu môi trường kinh doanh Trung Quốc đều biết rằng nhất cử nhất động của các cơ quan quản lý giám sát Trung Quốc có thể quyết định tương lai của một công ty.

Sau khi cơ quan chức năng yêu cầu Alibaba rút khỏi các tài sản truyền thông, thời gian sẽ trả lời câu hỏi đế chế truyền thông của Alibaba sau cùng sẽ kết thúc như thế nào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục