Giấc mơ hòa bình cho Yemen - Bao giờ mới thành hiện thực?

Trong trường hợp đạt được một thỏa thuận hòa bình toàn diện, Yemen vẫn có nguy cơ cao rơi trở lại vòng xoáy xung đột nếu không có cải cách trên quy mô rộng, một quá trình chuyển tiếp phù hợp.
Giấc mơ hòa bình cho Yemen - Bao giờ mới thành hiện thực? ảnh 1Các tay súng Houthi tại Hodeidah, Sanaa, Yemen, ngày 19/12/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trang mạng worldpoliticsreview.com ngày 18/1 đăng bài viết bình luận về những chông gai của việc kiến tạo một nền hòa bình cho Yemen, nội dung như sau:

Đã hơn 4 năm trôi qua kể từ khi phiến quân Houthi chiếm quyền kiểm soát thủ đô Sanaa và buộc Tổng thống Yemen Abdu Rabbu Mansour Hadi phải lưu vong, khiến Saudi Arabia phải dẫn đầu can dự quân sự để đẩy lùi Houthi và giành lại quyền lực cho ông Hadi.

Tiến trình ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc xung đột bị bế tắc cũng góp phần làm tan rã quốc gia vốn đã đói nghèo này thành nhiều khu vực phân liệt và tạo ra thực trạng được đánh giá là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

Tuy nhiên, tiến trình ngoại giao đã có bước tiến tích cực vào tháng 12/2018.

Sau 3 vòng đàm phán không thành công tại Thụy Sĩ và Kuwait, phái đoàn của hai bên đối địch tại Yemen gồm đại diện của Houthi và đại diện của Chính phủ Yemen được quốc tế công nhận đã đạt được đồng thuận về thỏa thuận ngừng bắn ba bên tại Thụy Điển vào ngày 13/12/2018 sau 1 tuần tham vấn.

Thỏa thuận đạt được tại Stockholm chưa thể coi là điểm kết cho cuộc khủng hoảng tại Yemen, nhưng các nhà ngoại giao quốc tế đánh giá đây là bước đi rõ ràng trong một lộ trình đúng đắn.

Thỏa thuận có 3 yếu tố chính nhằm ngăn chặn một chiến dịch quân sự đang cận kề do liên quân Arab tiến hành dưới sự lãnh đạo của Saudi Arabia nhằm vào cảng Hodeida do Houthi kiểm soát. Cảng biển này là cửa ngõ vận chuyển hàng viện trợ vào nội địa Yemen.

Các bên tham gia đàm phán cũng đã cam kết khởi động đàm phán để giảm chiến sự tại Taiz, thành phố lớn thứ 3 của Yemen, vẫn đang bị Houthi và đồng minh bao vây.

Giấc mơ hòa bình cho Yemen - Bao giờ mới thành hiện thực? ảnh 2Cảnh đổ nát do xung đột tại Sanaa, Yemen ngày 8/12/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngoài ra, thỏa thuận cũng đề cập đến vấn đề trao đổi tù binh. Cả hai bên đều cam kết phóng thích hàng nghìn tù binh, nhiều người trong số này đã bị giam giữ trong 4 năm qua.

Mặc dù vậy, vài tuần sau khi thỏa thuận được ký, vẫn chưa có các tiến bộ rõ rệt trong việc thực hiện thỏa thuận từ cả hai bên. Vấn đề trao đổi tù binh còn phụ thuộc vào cuộc gặp tiếp theo tại Amman (Jordan) vào tuần này.

Giấc mơ hòa bình cho Yemen - Bao giờ mới thành hiện thực? ảnh 3Các tay súng Houthi tại Hodeidah, Sanaa, Yemen, ngày 19/12/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Tướng nghỉ hưu người Đan Mạch Patrick Caemmart, người được bổ nhiệm làm trưởng nhóm giám sát ngừng bắn của Liên hợp quốc tại Hodeida, cả hai bên tiếp tục đổ lỗi cho nhau, thất bại trong việc tạo ra các tiến bộ rõ ràng đối với việc rút quân khỏi cảng biển này theo thỏa thuận đã ký.

Lực lượng Houthi có nghĩa vụ rút quân khỏi Hodeida thay vào đó đã tăng cường lực lượng tới các vị trí đang kiểm soát và xây dựng mới hệ thống công sự, hầm hào, tố cáo liên quân Arab tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công vào lực lượng này.

Chiến sự tiếp tục leo thang tại các khu vực không nằm trong phạm vi thỏa thuận. Houthi tiếp tục sử dụng máy bay không người lái có gắn thuốc nổ tấn công các căn cứ quân sự của quân đội Yemen gần cảng Aden làm một số sỹ quan cao cấp của Yemen thiệt mạng.

Trong khi đó, Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và các nước khác trong liên minh Arab đang mất kiên nhẫn, đồng thời bày tỏ sự lo lắng về việc Houthi đơn giản đang sử dụng thỏa thuận Stockholm để "câu giờ." 

Các lãnh đạo của Liên hợp quốc và các nhà ngoại giao phương Tây duy trì sự lạc quan thận trọng.

[Tại sao Mỹ nỗ lực chấm dứt cuộc chiến ở Yemen vào lúc này?]

Việc triển khai thực hiện thỏa thuận ngừng bắn, như nhiều người đã mong đợi, diễn ra khá khó khăn, nhưng "tinh thần của thỏa thuận" tiếp tục được duy trì, theo đánh giá của các quan chức này.

Về mặt nào đó, phải thừa nhận sự thật rằng không bên nào dường như muốn loại bỏ thỏa thuận, các bên đều cố gắng tránh bị đổ lỗi.

Căng thẳng sẽ tiếp tục gia tăng nếu tình hình hiện nay mở ra không gian cho ngoại giao và các nỗ lực hòa giải.

Tiến trình ngoại giao và hòa giải càng gặp khó khăn hơn sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từ chức. Ông James Mattis là người đóng vai trò chủ chốt sau hậu trường dẫn tới thỏa thuận Stockholm.

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được đánh giá là nhân vật cứng rắn. Ông Pompeo đã đưa ra quan điểm ủng hộ liên minh quân sự Arab liên quan đến tình hình Yemen hiện nay trong chuyến thăm Trung Đông vừa qua.

Nếu thỏa thuận Stockholm sụp đổ, liên quân Arab sẽ phát động chiến dịch quân sự nhằm vào thành phố Hoheida, khi đó khả năng nối lại tiến trình ngoại giao gần như là không thể. Thậm chí, ngay cả khi thỏa thuận này được duy trì, việc giải quyết cuộc xung đột tại Yemen cũng chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu.

Như các nhà ngoại giao đang tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng Yemen đã thừa nhận, tiến trình ngoại giao hiện nay mới chỉ là giai đoạn khởi đầu của khởi đầu.

Các phe nhóm chủ chốt và các bên can dự vẫn chưa thực sự tham gia thực chất vào tiến trình này. Những vẫn đề chủ chốt cần phải được giải quyết như số phận kho vũ khí của Houthi hay vị trí trong tương lai của quân đội liên quân và vấn đề định hình một chính phủ Yemen trong tương lai vẫn chưa được quyết định.

Giấc mơ hòa bình cho Yemen - Bao giờ mới thành hiện thực? ảnh 4Người tị nạn Yemen nhận lương thực cứu trợ của WFP tại tỉnh Hajjah ngày 25/9/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tất cả những vấn đề này cho thấy chưa tồn tại một nhà nước Yemen. Thậm chí, ngay khi cuộc khủng hoảng kết thúc thì cũng không thể một sớm một chiều phục hồi được nhà nước Yemen bởi trong những năm qua Yemen đã bị chiến tranh tàn phá.

[Liên hợp quốc nỗ lực phá vỡ thế bế tắc cho vòng hòa đàm Yemen]

Chiến tranh đã làm cho cơ sở hạ tầng tại Yemen bị hủy hoại, làm thụt lùi hàng chục năm phát triển đất nước, làm sụp đổ nền tảng xã hội, hệ thống giáo dục.

Nói chung, kết thúc chiến tranh chỉ là một phần nhỏ trong một cuộc chiến lớn hơn, đó là cuộc chiến khôi phục lại Yemen.

Liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đã bắt đầu một số nỗ lực khôi phục Yemen. Cả Saudi Arabia và UAE đã gia tăng các nỗ lực cứu trợ nhân đạo và tái phát triển.

Các nước vùng Vịnh đã công khai nhấn mạnh vai trò của khối này tại Yemen là lâu dài, lưu ý sự cần thiết về tái phát triển và không để lại khoảng trống quyền lực tại Yemen.

Nói chung, các nước này thừa nhận sự cần thiết trong việc giành lại hòa bình, nhưng trong trường hợp đạt được một thỏa thuận hòa bình toàn diện, Yemen vẫn có nguy cơ cao rơi trở lại vòng xoáy xung đột nếu không có cải cách trên quy mô rộng, một quá trình chuyển tiếp phù hợp, các nỗ lực hòa giải và viện trợ và đầu tư nước ngoài để đưa nước này ra khỏi đói nghèo.

Tóm lại, Yemen còn đối mặt với rất nhiều vấn đề nan giải, tiến trình hòa bình mới chỉ bắt đầu tại thành phố cảng Hodeida. Muốn có hòa bình kéo dài đòi hỏi tiến trình hòa bình phải ở mức độ rộng hơn nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục