Giải phóng nhanh mặt bằng dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu huyện Bình Chánh khẩn trương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại huyện, không để ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Giải phóng nhanh mặt bằng dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành ảnh 1Một đoạn tuyến cao tốc Long Thành được đưa vào khai thác. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Liên quan đến tiến độ thực hiện dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bình Chánh khẩn trương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Bình Chánh, không để ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

Riêng đối với các hộ dân tại khu vực nút giao giữa Quốc lộ 50 và đường cao tốc Bến Lức-Long Thành, Thành phố thống nhất chủ trương thực hiện giải tỏa một lần để tạo điều kiện cho các hộ dân sớm ổn định cuộc sống, áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hướng có lợi nhất cho người dân. Đối với phần kinh phí giải phóng mặt bằng sẽ hạch toán theo từng dự án.

Ủy ban Nhân dân Thành phố cũng đề nghị Ban Quản lý dự án Đường cao tốc Bến Lức-Long Thành khẩn trương chuyển bổ sung kinh phí để Ủy ban Nhân dân huyện Bình Chánh và Ủy ban Nhân dân huyện Nhà Bè tổ chức thực hiện công tác chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án chính theo đúng tiến độ quy định.

Dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành (gói thầu 12) chính thức khởi công ngày 19/7/2014, là đường cao tốc có chiều dài và vốn đầu tư lớn nhất trong các dự án đường cao tốc ở phía Nam với tổng chiều dài hơn 57km đi qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh (huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ), Đồng Nai, Long An với tổng mức đầu tư (giai đoạn một) là 31.320 tỷ đồng.

Đối với Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn (đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cảng Bến Súc), Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với sở ngành liên quan hướng dẫn nhà đầu tư (Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị xanh và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển STD Việt Nam) tính toán lại phương án tài chính của dự án BOT, trên cơ sở đó, báo cáo và kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chủ trì buổi làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương để thống nhất về phương án hoàn trả kinh phí tạm ứng thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ dự án chính.

Trước mắt Ủy ban Nhân dân thành phố giao Ủy ban Nhân dân quận Thủ Đức và quận Bình Thạnh được phép chỉ định một đơn vị có chức năng trực thuộc làm chủ đầu tư dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và tổ chức thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định phục vụ dự án chính, kinh phí thực hiện được tạm ứng từ ngân sách thành phố.

Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn, đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi (Thành phố Hồ Chí Minh) đến cảng Bến Súc (tỉnh Bình Dương), được tổ chức lễ động thổ vào 28/4/2015 nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Dự án được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 1.302 tỷ đồng, là dự án đường thủy nội địa đầu tiên áp dụng hình thức BOT.

Hiện tại khi thủy triều lên, việc tàu thuyền trên 300 tấn không thể lưu thông qua cầu sắt Bình Lợi để về Bình Dương (và chiều ngược lại). Trong thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ sà lan mắc kẹt khi chui qua cầu sắt Bình Lợi, ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy và tuyến đường sắt Bắc-Nam (được bố trí chạy dọc trên cầu sắt Bình Lợi)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục