Giáo hoàng kêu gọi sơ tán người tị nạn khỏi trại tạm giam ở Libya

Giáo hoàng Francis kêu gọi sơ tán những người tị nạn trong các trại tạm giam ở Libya, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, trong bối cảnh chiến sự đang leo thang ở nước này.
Giao tranh giữa lực lượng trung thành với Tướng Khalifa Haftar và binh sỹ quân đội Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) tại khu vực ngoại ô Tripoli ngày 24/4 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giao tranh giữa lực lượng trung thành với Tướng Khalifa Haftar và binh sỹ quân đội Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) tại khu vực ngoại ô Tripoli ngày 24/4 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/4, Giáo hoàng Francis kêu gọi sơ tán những người tị nạn trong các trại tạm giam ở Libya, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, trong bối cảnh chiến sự đang leo thang ở nước này.

Phát biểu tại buổi lễ cầu nguyện ở Vatican, Giáo hoàng Francis đã hối thúc việc sơ tán phụ nữ, trẻ em và những người ốm yếu sớm nhất có thể thông qua các hành lang nhân đạo.

Ông nhấn mạnh tình hình đang trở nên rất nghiêm trọng do xung đột hiện nay. Dự kiến một nhóm 140 người tị nạn sẽ từ Libya đến Rome vào ngày 29/4.

Các nhóm nhân đạo và các tổ chức quốc tế đã cảnh báo tình trạng hàng nghìn người di cư mắc kẹt trong các trại tạm giam ở Libya, khi giao tranh giữa Lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) trung thành với Tướng Khalifa Haftar và Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) đang diễn ra ác liệt.

Libya từ lâu là tuyến đường trung chuyển của người di cư tìm đường đến châu Âu. Theo Tổ chức Di cư quốc tế, hiện có khoảng 6.000 người di cư đang ở trong các trại tạm giam của Libya. Trong khi đó, hàng trăm người nữa đang bị các nhóm vũ trang cầm giữ.

Liên hợp quốc và các nhóm viện trợ quốc tế đã cảnh báo rằng hàng nghìn người di cư và tị nạn chạy trốn bạo lực ở quê nhà bị mắc kẹt tại trại tạm giam ở Libya, đối mặt với nhiều nguy hiểm và cần sơ tán ngay lập tức.

Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi, Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang. Ở quốc gia Bắc Phi này hiện tồn tại hai chính quyền, với các lực lượng vũ trang riêng.

[Libya: Giao tranh ác liệt tại các vùng lân cận thủ đô Tripoli]

Lực lượng của Tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông, trong khi GNA được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn.

Xung đột giữa hai bên leo thang sau khi Tướng Haftar ngày 4/4 vừa qua phát động chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã có 278 người thiệt mạng và 1.332 người bị thương kể từ ngày 4/4 vừa qua - thời điểm lực lượng của Tướng Haftar bắt đầu chiến dịch tấn công nhằm kiểm soát thủ đô Tripoli.

Tuy nhiên, cho đến nay, LNA vẫn chưa thể "chọc thủng" phòng tuyến ở phía Nam của thủ đô Tripoli.

Mới đây nhất, tối 27/4, đã có 4 người thiệt mạng và 20 người bị thương LNA không kích nhằm vào thủ đô Tripoli.

Người phát ngôn của Bộ Y tế thuộc GNA cảnh báo con số này có thể tiếp tục tăng trong những giờ tới.

Một nguồn tin khẳng định các nạn nhân là dân thường. Đa số các cuộc không kích tập trung vào quận Abou Slim, song không có mục tiêu quân sự nào bị bắn trúng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục