Người Mông đã xuất hiện cách đây hàng trăm năm. Người Mông ở Tuyên Quang cư trú chủ yếu ở các xã vùng cao của các huyện Yên Sơn, Lâm Bình, Hàm Yên....
Các nhóm dân tộc Mông được phân biệt bởi cách phát âm khác nhau và các đặc điểm, màu sắc trên trang phục của phụ nữ với 3 nhóm chủ yếu là Mông đơ, hoặc Mông đâu (Mông Trắng), Mông đu (Mông Đen), Mông lềnh (Mông Hoa). Mặc dù có sự phân biệt thành các nhóm Mông khác nhau nhưng nhìn chung phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa của các nhóm cơ bản giống nhau. Nhưng nghệ thuật thêu trang phục truyền thống của cộng đồng này thực sự tiêu biểu.
Một trong những yếu tố tạo nên sự độc đáo và riêng biệt của văn hóa Mông là trang phục truyền thống và nghệ thuật trang trí trên trang phục. Trong đó, nghệ thuật trang trí quyết định giá trị của bộ trang phục, là yếu tố không thể thiếu trong văn hóa trang phục và rộng hơn là trong văn hóa tộc người, trở thành phương tiện để biểu hiện nội tâm, biểu hiện thế giới quan, nhân sinh quan của người sáng tạo, người sử dụng kể cả ở góc độ cá nhân hay cao hơn là tập quán sinh hoạt của cộng đồng và phát triển các giá trị văn hóa riêng biệt.
Đồng bào đã tận dụng mọi cơ hội trong điều kiện sống khắc nghiệt của núi rừng, trong các mối quan hệ giao lưu tiếp biến để tạo dựng và dần bồi đắp cho mình những vốn văn hóa cổ truyền, đóng góp vào nền văn hóa phong phú chung của các dân tộc. Một trong những yếu tố tạo nên sự độc đáo và riêng biệt của văn hóa Mông.
[Độc đáo nghề thêu may trang phục dân tộc Mông ở biên giới Nậm Pồ]
Với loại hình nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống, đây là loại hình di sản hấp dẫn, giàu chất trí tuệ với các mô típ hoa văn đa dạng, độc đáo. Có từ rất lâu đời, là kết quả của sự lao động cần cù, sáng tạo trong môi trường tự nhiên và không gian xã hội cụ thể.
Trang phục ra đời trước hết là để bảo vệ cơ thể chống lại các tác động có hại của ngoại cảnh như khí hậu, côn trùng… cùng với đó là nghệ thuật trang trí trên trang phục nhằm thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ và đời sống tâm linh của con người. Sự thẩm nhận nét đẹp tinh tế từ tín ngưỡng dân gian, từ trong lao động sản xuất, từ thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, thôn bản; người Mông Hoa đã sáng tạo và gửi gắm vào trang phục truyền thống của mình nếp sống cộng đồng thông qua nghệ thuật trang trí đầy tài hoa, tinh tế, đạt trình độ cao của thẩm mỹ dân gian, một đời sống tâm hồn giàu chất mỹ cảm nguyên sơ mà phong phú.
Trang phục truyền thống của người Mông Hoa mang vẻ đẹp đặc trưng với các họa tiết hoa văn rực rỡ của sự phối màu hài hòa các gam màu ấm, màu chủ đạo là đỏ, hồng, vàng, cam xen lẫn một số ít hoa lá màu xanh lá cây, trắng trên nền vải chàm hoặc đen, tuy nhiên màu đỏ tươi vẫn là màu chủ đạo. Vì vậy, trang phục truyền thống của đồng bào Mông Hoa cũng rất cầu kỳ từ kỹ thuật vẽ và in hoa văn bằng sáp ong trên vải, thêu thùa, đến cách cắt khâu đến hoa văn, cách tạo hình… và đặc biệt là màu sắc trang trí nhất thiết phải có đủ năm màu cơ bản, tạo nên sắc thái riêng biệt trong văn hóa trang phục của đồng bào.
Không bị ảnh hưởng bởi những trang phục hiện đại, tại thôn Khuổi Khít - bản người Mông Hoa, xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, những bộ váy áo truyền thống rực rỡ màu sắc vẫn được bà con sử dụng hàng ngày. Với người Mông Hoa nơi đây, trang phục là của cải gia truyền, là nét văn hóa đặc sắc lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Khuổi Khít là thôn vùng sâu, vùng xa nhất của xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn với 52 hộ là người Mông Hoa. Ông Giàng Minh Phong, Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Khít cho biết việc bảo tồn và gìn giữ trang phục truyền thống được bà con quan tâm, thực hiện. Phụ nữ Mông Hoa ở đây vẫn tự tay làm trang phục cho mình và người thân. Từ việc cắt, khâu, phối màu sắc, tạo hình, vẽ sáp ong, thêu hoa văn…, phụ nữ Mông Hoa vừa là người sáng tạo, làm nên nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống vừa là người gìn giữ và trao truyền tinh hoa của dân tộc cho những thế hệ sau.
Bà Cù Thị Triệu (62 tuổi) là một trong những người làm váy áo giỏi nhất ở Khuổi Khít. Dù đã nhiều tuổi nhưng bà Triệu vẫn rất dẻo tay thêu và ghi nhớ tất cả công đoạn làm nên bộ trang phục truyền thống.
Bà Triệu chia sẻ tạo hoa văn trên trang phục của người Mông Hoa được thể hiện bằng nhiều kỹ thuật như vẽ hoa văn bằng sáp ong, thêu, ghép vải và phối màu. Sau khi thêu xong, những bộ phận riêng biệt sẽ đến bước chắp ghép hoa văn, tạo sóng và cuối cùng là chắp may. Người Mông Hoa thường dùng chỉ thêu màu đỏ, hồng, vàng cam, xanh lá mạ; trong đó, màu đỏ tươi là chủ đạo.
Các họa tiết hoa văn dùng để trang trí trang phục cũng rất đa dạng như hình bông hoa, ô chéo, chữ nhật, ô vuông, chữ thập, nhưng được sử dụng nhiều nhất là hình chữ nhật xen kẽ những dải hoa thêu lớn và đường thêu rích rắc hình đồi núi.
Bà Triệu cho biết trang phục người Mông Hoa trước đây được làm bằng vải lanh. Nghề trồng lanh dệt vải đã mai một, do đó, đồng bào dùng vải dệt công nghiệp nhưng cách trang trí, tạo hoa văn vẫn theo lối truyền thống.
Theo quan niệm của người Mông, con gái phải biết se lanh, dệt vải, thêu thùa. Người phụ nữ giỏi may, thêu sẽ được đề cao, tôn trọng. Đây cũng là tiêu chí để các chàng trai lựa chọn vợ. Chính vì vậy, trẻ em gái người Mông Hoa ngay từ nhỏ đã được bà, mẹ hướng dẫn cách dệt vải, thêu, may các hoa văn truyền thống, để khi lấy chồng sẽ may được những chiếc váy làm của hồi môn.
Đang thêu hoa lên chiếc yếm trước cho bộ váy của mình, em Giàng Thanh Thùy (15 tuổi) cho biết từ khi 10 tuổi, em được bà nội và mẹ dạy từ cách cầm kim, chọn chỉ thêu, đưa những mũi kim đầu tiên đến những đường thêu đơn giản. Ngoài thời gian đi học, những lúc rảnh rỗi, em lại học chấm sáp ong, thêu hoa văn. Em đã tự thêu được hoa văn lên váy áo cho mình. Trong tương lai, em muốn học thêm chắp may để có thể tự tay hoàn thiện bộ trang phục truyền thống của dân tộc.
Em Giàng Tiểu My (12 tuổi) háo hức chia sẻ các bạn của em ở trong thôn đều cố gắng học thêu và tự biết thêu váy, áo cho mình để mặc trong ngày tết hay mỗi dịp lễ hội. Em sẽ cố gắng học thêu giỏi để sau này còn truyền lại cho thế hệ sau.
Ông Ma Ngọc Trân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Kiến Thiết thông tin toàn xã có hơn 400 hộ dân tộc Mông với trên 2.000 nhân khẩu, sinh sống ở 10/17 thôn. Tháng 8/2022, nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa tại các huyện Yên Sơn, Lâm Bình, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang của tỉnh Tuyên Quang được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự, động lực để người Mông Hoa tiếp tục gìn giữ và phát huy di sản.
Theo ông Ma Ngọc Trân, thời gian tới, xã tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc nói chung và người Mông Hoa nói riêng; đặc biệt, vận động những phụ nữ có kinh nghiệm trong các thôn, bản người Mông Hoa truyền dạy lại các kỹ thuật trang trí hoa văn lên trang phục truyền thống cho con em trong gia đình, cho trẻ em gái trong bản.
Cùng với đó, tại mỗi thôn, bản sẽ thành lập các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa truyền thống để góp phần gìn giữ và phát huy tiếng nói, chữ viết, trang phục, phong tục, tập quán, các làn điệu múa, hát truyền thống... của đồng bào các dân tộc thiểu số.../.