Giới chức Mỹ thúc đẩy kế hoạch cải tổ hoạt động do thám

Tổng thống Barack Obama đã có cuộc gặp với 16 nghị sỹ để thảo luận về kế hoạch cải tổ NSA cũng như phương thức thu thập thông tin tình báo của cơ quan này.
Giới chức Mỹ thúc đẩy kế hoạch cải tổ hoạt động do thám ảnh 1Giám đốc Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) Mỹ Keith Alexander (giữa) điều trần tại Hạ viện về vụ cáo buộc nghe lén điện thoại. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong một động thái nhằm thể hiện cam kết của mình đối với người dân Mỹ sau vụ bê bối gần đây liên quan đến chương trình do thám của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), ngày 9/1, Tổng thống Barack Obama đã có cuộc gặp với 16 nghị sỹ để thảo luận về kế hoạch cải tổ NSA cũng như phương thức thu thập thông tin tình báo của cơ quan này.

Trước đó một ngày, ông cũng đã họp với lãnh đạo các cơ quan an ninh của Mỹ gồm NSA, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Giám đốc Tình báo quốc gia.

Thông cáo báo chí của Nhà Trắng cho biết tham dự cuộc gặp trên có các quan chức phụ trách việc giám sát các hoạt động tình báo và các nhà lập pháp vốn phản đối gay gắt chương trình do thám của NSA. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết Tổng thống Obama đã lắng nghe và tham vấn ý kiến của các bên để cân nhắc về việc cải tổ và hạn chế chương trình do thám cũng như đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia của chương trình này và quyền công dân.

Theo Thượng nghị sĩ Saxby Chambliss, tại cuộc họp, Tổng thống Obama thừa nhận những tiết lộ của cựu nhân viên kỹ thuật của CIA Edward Snowden về chương trình do thám của NSA đã gây tổn hại đến uy tín của chính quyền cũng như làm xói mòn niềm tin của người dân. Ông chủ Nhà Trắng cũng nhất trí tiến hành các biện pháp cải tổ và thay đổi phương thức thu thập dữ liệu điện thoại và Internet của các cơ quan tình báo Mỹ cũng như đảm bảo các hoạt động giám sát được thực hiện một cách minh bạch hơn.

Như một phần trong kế hoạch rà soát lại chương trình của NSA, giới chức Nhà Trắng cũng rà soát lại danh sách các mục tiêu do thám của cơ quan này nhằm đảm bảo hoạt động giám sát phù hợp với mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia song sẽ không gây khó xử cho Mỹ trong quan hệ ngoại giao nếu thông tin về các mục tiêu nằm trong diện theo dõi bị tiết lộ.

Cuộc họp trên diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Obama dự kiến sẽ công bố các quyết định cải tổ hoạt động tình báo của các cơ quan an ninh liên bang trong tuần tới. Một số nguồn tin thân cận cho biết cải tổ sẽ bao gồm một số hạn chế đối với việc do thám lãnh đạo nước ngoài, những thay đổi trong lưu trữ các dữ liệu điện thoại khổng lồ và bổ nhiệm một luật sư dân sự bảo vệ quyền tự do dân sự trong các tòa án tình báo bí mật. Trước đó, phát biểu trong buổi họp báo cuối năm tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Obama cũng đã để ngỏ khả năng sẽ xem xét một số thay đổi trong việc thu thập dữ liệu các cuộc điện thoại của người dân Mỹ với số lượng lớn.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ đã trình lên Ủy ban Tình báo Hạ viện một bản báo cáo chi tiết, trong đó nêu rõ cựu nhân viên Snowden đã đánh cắp 1,7 triệu văn kiện mật, đồng thời cảnh báo việc các thông tin này bị tiết lộ có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng hay thậm chí đặt quân đội Mỹ trên toàn cầu vào tình thế "nguy hiểm chết người."

Chủ tịch ủy ban trên, Hạ nghị sỹ Mike Rogers nhận định rất nhiều tài liệu mà Snowden có được mô tả chi tiết cách thức hoạt động của quân đội Mỹ và nền an ninh quốc gia sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ mới nếu các thông tin mật này rơi vào tay các phần tử khủng bố. Trong khi đó, người phát ngôn Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Shawn Turner cảnh báo với việc tiết lộ các tài liệu mật này, các phần tử khủng bố và những tổ chức, cá nhân cổ xúy chủ nghĩa khủng bố có cơ hội nắm rõ cách thức thu thập thông tin tình báo của Mỹ cũng như sẽ có các biện pháp đáp trả.

Cựu nhân viên CIA Snowden 30 tuổi và từng làm hợp đồng cho NSA. Snowden bắt đầu tiết lộ các tài liệu mật của Mỹ từ tháng Sáu vừa qua sau khi bí mật bay sang Hong Kong (Trung Quốc). Sau đó, nhân vật này tiếp tục sang Nga và xin tạm trú một năm để tránh lệnh truy nã của Chính phủ Mỹ về tội phản quốc. Trong thời gian qua, Snowden đã tiết lộ nhiều “bí mật động trời” về chương trình do thám bí mật trên diện rộng của NSA cho một số báo chí và cơ quan truyền thông nước ngoài. Sự việc đã gây quan hệ căng thẳng giữa Mỹ với hàng loạt các quốc gia, nhất là với các đồng minh truyền thống ở châu Âu và một số nước ở Mỹ Latinh./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục