Nhức nhối nạn buôn bán ngà voi: 'Cơ quan quản lý không thể làm ngơ’

Giới chuyên gia bảo tồn mong cơ quan quản lý 'vào cuộc' bảo vệ voi

Với tính chất nghiêm trọng của vấn nạn buôn bán ngà voi ở Tây Nguyên và các tỉnh hiện nay, theo giới chuyên gia, các cơ quan quản lý cần phải vào cuộc và có phương án kiểm tra, xử lý kịp thời.
Hoạt động bày bán ngà voi và các sản phẩm liên quan tại điểm bán đồ lưu niệm nằm đối diện trước cổng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai. (Ảnh: HV/Vietnam+)
Hoạt động bày bán ngà voi và các sản phẩm liên quan tại điểm bán đồ lưu niệm nằm đối diện trước cổng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Ngay sau khi Báo điện tử VietnamPlus đăng tải loạt bài “Nhức nhối nạn buôn bán ngà ở Tây Nguyên: Không xử nghiêm, voi sẽ tuyệt chủng,” đại diện các cơ quan bảo tồn thiên nhiên đã lên tiếng đề nghị cơ quan quản lý cần khẩn trương "vào cuộc" để góp phần bảo vệ, bảo tồn loài voi cho các thế hệ tương lai.

Trong thư gửi phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam (WWF-Việt Nam) bày tỏ mong muốn loạt bài phản ánh hiện thực đau lòng về vấn nạn buôn bán ngà voi trên sẽ góp phần giúp người dân hiểu vấn đề và các cơ quan chức năng có những hành động kịp thời hơn.

“Với tính chất nghiêm trọng của sự việc, chúng tôi tin rằng Cục Kiểm lâm, cơ quan Quản lý thị trường sẽ không thể làm ngơ và sẽ có những chỉ đạo ngay lập tức tới các địa phương, để triển khai các hoạt động truy quét, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định hiện hành,” đại diện WWF-Việt Nam nói.

Đại diện WWF-Việt Nam cũng nhấn mạnh với những địa bàn mà tổ chức này đang hoạt động, trong đó có dự án bảo tồn quần thể voi hoang dã tại Đắk Lắk, WWF-Việt Nam sẽ hỗ trợ và hợp tác để các cơ quan chức năng để giải quyết các vụ việc mà Báo Điện tử VietnamPlus đã phản ánh.

Cho rằng cần phải “đánh vào đúng tiêu điểm” trách nhiệm quản lý, đại diện lãnh đạo Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học cũng cho rằng các cơ quan quản lý như CITES và cơ quan kiểm lâm (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cần phải vào cuộc và có phương án kiểm tra, xử lý.

[Thúc đẩy du lịch có trách nhiệm và bảo tồn động vật hoang dã]

Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam cũng cho biết sẽ chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức liên quan tới vụ việc.

Giới chuyên gia bảo tồn mong cơ quan quản lý 'vào cuộc' bảo vệ voi ảnh 1Các sản phẩm chế tác từ ngà voi được bày bán công khai tại các điểm du lịch ở trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, bất chấp các khẩu hiệu chống lại việc này. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Trước đó, ngày 19/7/2022, Báo điện tử VietnamPlus đã đăng tải loạt bài “Nhức nhối nạn buôn bán ngà ở Tây Nguyên: Không xử nghiêm, voi sẽ tuyệt chủng,” phản ánh thực trạng mặc dù Việt Nam đã có “Đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam” đồng thời tăng cường hợp tác thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép ngà và các bộ phận dẫn xuất của voi - thế nhưng, thời gian qua, vấn nạn này vẫn diễn ra bằng nhiều hình thức khác nhau, từ lén lút đến công khai.

Có một điều đáng buồn là khi người tiêu thụ xuýt xoa về vẻ đẹp của một sản phẩm từ ngà voi hay xương, lông đuôi voi, họ không biết rằng có hàng ngàn cá thể voi đã bị sát hại mỗi năm để phục vụ nhu cầu của mình. Chỉ riêng trong năm 2021, nguồn cơ sở dữ liệu vi phạm về động vật hoang dã của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận được 575 vụ việc vi phạm liên quan đến ngà voi.

Càng khó hiểu hơn khi các điểm bán “hàng cấm” từ voi diễn ra công khai, nhưng lãnh đạo các cơ quan quản lý liên quan khi được hỏi đều tỏ vẻ bất ngờ, thậm chí còn tự hào khẳng định “hơn 10 năm nay, chưa phát hiện vụ buôn bán ngà voi nào.”

Đây là một thực trạng rất buồn và đáng báo động, không chỉ gây ảnh hưởng đến công tác bảo tồn voi, mà còn làm giảm hiệu lực thực thi pháp luật cũng như ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè và du khách quốc tế.

Thực tế trên đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm thực thi cũng như sự quản lý của các cơ quan chức năng địa phương trước thực trạng hiển hiện trước mặt nhưng lại như vô hình và mặc nhiên tồn tại trong suốt nhiều năm qua mà không bị xử lý.

Nếu không kịp thời ngăn chặn các hành vi buôn bán ngà voi cũng như các loài động vật hoang dã, thì tương lai không xa, voi, gấu và nhiều loài động vật nguy cấp khác sẽ theo bước tê giác, lần lượt biến mất khỏi những “ngôi nhà” tự nhiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục