Giới phân tích: Thượng đỉnh Nga-Triều tập trung vào phi hạt nhân

Giới quan sát quốc tế cho rằng chương trình nghị sự trong hội nghị thượng đỉnh Nga-Triều sẽ tập trung vào các nỗ lực hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, hợp tác kinh tế và quan hệ song phương.
Giới phân tích: Thượng đỉnh Nga-Triều tập trung vào phi hạt nhân ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giới quan sát quốc tế ngày 23/4 cho rằng chương trình nghị sự trong hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến diễn ra tại thành phố Vladivostok vào ngày 25/4, sẽ tập trung vào các nỗ lực hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, hợp tác kinh tế và quan hệ song phương.

Theo các nhà phân tích, sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2 kết thúc tại Hà Nội mà không đạt bất kỳ thỏa thuận nào, hai nhà lãnh đạo Nga và Triều Tiên có thể sẽ thảo luận hợp tác về phi hạt nhân hóa.

Tại hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Putin có thể sẽ nhắc lại mong muốn của Nga trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên thông qua cơ chế đàm phán đa phương, với sự tham gia của hai miền Triều Tiên và các cường quốc có liên quan.

[Nga và Triều Tiên xúc tiến chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh]

Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cũng có thể đề cập tới số phận của khoảng 10.000 lao động Triều Tiên tại Nga, đang phải đối mặt với việc phải hồi hương vào cuối năm nay do các lệnh trừng phạt của quốc tế cấm các nước cấp thị thực cho lao động Triều Tiên.

Do kim ngạch thương mại giữa Nga và Triều Tiên không lớn, trong khi các biện pháp trừng phạt vẫn đang được áp đặt đối với Bình Nhưỡng, do đó, việc thảo luận hợp tác kinh tế song phương tại hội nghị có thể bị hạn chế.

Thống kê cho thấy kim ngạch thương mại giữa Nga và Triều Tiên trong năm 2018 chỉ đạt khoảng 34 triệu USD, giảm 56,3% so với năm 2017.

Nhiều nhà quan sát cho rằng tại cuộc gặp ở Vladivostok, hai nhà lãnh đạo có thể thảo luận khả năng tiến hành các dự án kinh tế giữa Nga và Triều Tiên trong đó có dự án Rajin-Khasan. Đây là cơ chế logistic vốn bị đình trệ sau khi Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân những năm trước. Tuy nhiên, hầu hết hợp tác kinh tế giữa hai nước đều có thể đối mặt với những hạn chế từ các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Chỉ có một lĩnh vực có thể tránh được trừng phạt đó là hợp tác nhân đạo. Vì vậy, giới phân tích cho rằng Tổng thống Putin có thể cam kết tăng cường việc hỗ trợ nhân đạo nhằm củng cố quan hệ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, và việc thiết lập mối quan hệ mới giữa hai nước cũng có thể nằm trong chương trình nghị sự.

Đây là hội nghị thượng đỉnh Nga-Triều đầu tiên diễn ra trong tám năm, sau khi cố nhà lãnh đạo Kim Jong-il gặp Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev vào năm 2011.

Cùng ngày, trong tuyên bố được đưa ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nga-Triều Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh cộng đồng quốc tế nỗ lực dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ nhấn mạnh Mỹ và cộng đồng quốc tế đều hướng tới mục tiêu chung - phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng của Triều Tiên.

Người phát ngôn này cũng cho hay đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov sẽ tiếp tục các cuộc tham vấn nhằm "lấp đầy bất kỳ khoảng trống nào trên con đường phía trước"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục