Gợi ý cho bữa sáng chất lượng của trẻ theo độ tuổi

Khi được cung cấp bữa sáng thường xuyên, trẻ sẽ có đủ năng lượng để tham gia các hoạt động khác nhau trong suốt cả ngày dài.
Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Bữa sáng đảm bảo chất sẽ giúp bé có nguồn năng lượng dồi dào phục vụ cho các hoạt động trí tuệ và thể chất.

Tác dụng của bữa ăn sáng đối với trẻ

Buổi sáng là khoảng thời gian bé cần nạp thêm năng lượng sau mỗi giấc ngủ dài từ 8 – 10 giờ. Nguồn calo dự trữ trong cơ thể chỉ đủ năng lượng cho bé đến giữa buổi sáng nếu không được dung nạp thêm.

Bữa ăn sáng còn giúp bé duy trì trọng lượng cân đối vì buổi sáng là thời gian khởi động cho sự trao đổi chất trong cơ thể, thúc đẩy quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng; sự trao đổi chất thường xuyên sẽ giúp cơ thể đốt cháy calo.

Nếu không ăn sáng, bé sẽ có xu hướng tiêu thụ nhiều calo hơn, điều này liên quan đến nguy cơ bị béo phì. Khi bỏ bữa sáng, bé sẽ cảm thấy đói nhiều hơn vào giữa buổi và dễ ăn vặt hoặc ăn quá nhiều vào bữa trưa.

Ngược lại, một khi trẻ được cung cấp bữa sáng đầy đủ sẽ giúp trẻ tập trung tinh thần cao và sáng tạo trong những hoạt động, trẻ sẽ nhanh chóng nắm bắt được những kỹ năng giải quyết vấn đề cũng như nhanh nhạy hơn trong việc phối hợp tay – mắt.

Có bữa ăn sáng, trẻ sẽ nhận được một loạt các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể để tham gia các hoạt động khác nhau. Vào bữa sáng, trẻ cũng tiêu thụ ít chất béo và cholesterol – những chất rất có hại cho sức khỏe.

Khi được cung cấp bữa sáng thường xuyên, trẻ sẽ có đủ năng lượng, thể lực để tham gia và vượt qua các hoạt động khác nhau trong suốt cả ngày dài.

Bữa sáng sẽ giúp trẻ tập trung nhiều hơn vào các hoạt động hàng ngày và cũng có thể nâng cao năng lực vận động, suy nghĩ… tạo ra những thành quả lao động tốt.

Ăn sáng có thể giữ cho trọng lượng của con bạn duy trì lý tưởng. Nếu trẻ không ăn sáng, trẻ sẽ có nguy cơ nhanh chóng mất cân bằng dinh dưỡng và điều này tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể.

Trong bữa sáng, do trẻ tiêu thụ thực phẩm ít có cholesterol cao, như vậy về lâu về dài điều này sẽ giúp trẻ tránh được các bệnh tim mạch.

Những dưỡng chất cần có trong bữa sáng

Mẹ nên chuẩn bị một bữa ăn sáng dồi dào và đầy đủ các chất xơ, protein, canxi cùng nhiều dưỡng chất quan trọng khác. Những chất dinh dưỡng này giúp duy trì cân nặng, ổn định các cơ quan trong cơ thể và giúp cơ thể bé khỏe mạnh.

Bạn có thể cho bé uống chút hoa quả có vị ngọt hoặc ăn bánh ngọt vì đường giúp tăng khả năng tập trung, ghi nhớ của bé.

Gợi ý cho bữa sáng của trẻ theo độ tuổi

Đối với trẻ nhỏ (từ 1 – 10 tuổi): Những năm đầu đời rất quan trọng cho sự phát triển của cơ thể. Do vậy, trong giai đoạn này, bữa sáng cần được bổ sung nhiều protein và canxi giúp trẻ phát triển về thể lực và chiều cao. Ngoài ra, nên hạn chế cho trẻ ăn nhiều các đồ ăn chứa nhiều đường và dầu mỡ để ngăn ngừa các vấn đề về răng và bệnh tiểu đường sau này.

Sữa, bánh mỳ, trứng là những thực phẩm lý tưởng cho bữa sáng hàng ngày của trẻ. Bạn cũng có thể thay sữa bằng các loại nước ép trái cây hoặc bánh quy thay thế bánh mỳ để thay đổi khẩu vị và bữa ăn cho trẻ giúp trẻ “hào hứng” với bữa sáng hơn.

Đối với trẻ từ 10 – 15 tuổi: Ở giai đoạn này, cơ thể trẻ bắt đầu phát triển rất mạnh, về cả chiều cao, thể lực và trí tuệ. Do vậy, bữa ăn sáng phải đảm bảo đầy đủ các nhóm vitamin và khoáng chất thiết yếu bao gồm: vitamin A, C, canxi… và đặc biệt là cần tới nhóm thực phẩm cung cấp đủ nhiệt lượng cho sự phát triển của cơ thể.

Bữa sáng ở độ tuổi này phải có 1 ly sữa hoặc các chế phẩm từ sữa, một lượng thích hợp rau xanh hay hoa quả, tinh bột (bánh mỳ, bánh bao, cơm…) hoặc các thực phẩm giàu carbonhydrate khác để đảm bảo nguồn năng lượng và calo cho hoạt động thể chất và trí tuệ mà cơ thể cần ở giai đoạn này./.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục