Cho mở lại dịch vụ ăn uống, Hà Nội yêu cầu phòng chống dịch nghiêm

Một số dịch vụ như cắt tóc, gội đầu; dịch vụ ăn, uống trong nhà được mở cửa trở lại từ 0 giờ ngày 22/6 nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.
Cho mở lại dịch vụ ăn uống, Hà Nội yêu cầu phòng chống dịch nghiêm ảnh 1Quán ăn trong nhà lắp tấm chắn giữa các vị trí ngồi đảm bảo phòng chống dịch. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Thành phố Hà Nội cho phép nới lỏng một số dịch vụ từ 0 giờ ngày 22/6 nhưng phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Đóng cửa trước 21 giờ

Trong những ngày gần đây, tại nhiều địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh,… ghi nhận ca mắc và chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường hơn trước.

Hàng ngày, trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn có hàng ngàn người thường xuyên di chuyển, giao thương qua các địa phương, tiềm ẩn nguy cơ, khả năng lây nhiễm trong cộng đồng trên địa bàn thành phố còn cao, Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo tại 09 Công điện, 02 Chỉ thị và các văn bản đã ban hành của Ủy ban Nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội; kết luận tại Hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy ngày 21/6, để kiên trì thực hiện mục tiêu “kép” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vừa đảm bảo an toàn cho Nhân dân, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện một số nội dung quan trọng.

Cụ thể, công văn số 1942/UBND-KGVX do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng ký nêu rõ từ 0 giờ ngày 22/6 một số dịch vụ như cắt tóc, gội đầu; dịch vụ ăn, uống trong nhà được mở cửa trở lại.

Tuy vậy, thành phố yêu cầu các cơ sở phải đảm bảo khoảng cách, có tấm chắn giữa người với người, ngồi không quá 50% công suất chỗ ngồi và không quá 20 người; đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày (nhà hàng rượu, quán rượu, bia, bia hơi chỉ được phép bán hàng mang về).

"Chủ các cơ sở dịch vụ phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, yêu cầu khách hàng khai báo y tế, lập danh sách, kiểm soát, đối chiếu thông tin khách hàng hàng ngày," phía Hà Nội lưu ý.

Thành phố giao các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo ngành, lĩnh vực, địa bàn được phân công; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Lãnh đạo thành phố lưu ý các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao ý thức, trách nhiệm các cấp, các ngành và người dân về công tác phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, đặc biệt là tại các khu vực có nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, thành phố đề nghị các đơn vị duy trì chế độ thường trực 24/24/7 để sẵn sàng triển khai ngay các biện pháp truy vết khoanh vùng xử lý kịp thời khi phát sinh các ca bệnh hoặc các trường hợp liên quan...

Theo ghi nhận của phóng viên trong sáng 22/6, nhiều hàng quán tấp nập khách, phục vụ hết công suất, trong khi một số nơi đìu hiu, bán cầm chừng. Nhưng nhìn chung tâm lý đều phấn khởi khi được mở cửa kinh doanh trở lại.

Chủ quán bún chả trên đường Nguyễn Công Trứ cho biết ngay sau khi nghe tin thành phố cho phép mở cửa hàng ăn trở lại, cửa hàng đã tổng vệ sinh, dọn dẹp lại quán đến 2 giờ sáng 22/6; đồng thời dậy từ sớm lắp các vách ngăn và chuẩn bị nguyên liệu mở bán trở lại.

Tuy nhiên, để chủ động phòng dịch, người dân vẫn hạn chế ra ngoài nên lượng khách tại một số nơi vẫn còn ít, do vậy nhiều quán bán hàng chỉ lác đác vài khách đến mua. Đơn cử, dọc tuyến phố Triệu Việt Vương, quận Hai Bà Trưng, nơi tập trung nhiều quán càphê, nước giải khát cũng chỉ có một số ít cửa kinh doanh trở lại, hầu hết tiếp tục "nghe ngóng" tình hình dịch bệnh.

Ngoài ra, nhiều chủ quán ăn lại quyết định chưa mở hàng ngay trong ngày hôm nay mà đợi tình hình ổn định hơn mới quyết định bán trở lại.

Tuyệt đối không để lây nhiễm trong cơ sở khám chữa bệnh

Lãnh đạo thành phố Hà Nội giao Sở Y tế chỉ đạo toàn bộ các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong khuôn viên; thường xuyên sàng lọc các nguy cơ tiềm ẩn; tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm trong các cơ sở khám chữa bệnh.

Ngoài ra, thành phố giao Công an Hà Nội chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tăng cường các chốt trực lưu động để kiểm tra lượng phương tiện ra vào các cửa ngõ của thành phố; quản lý toàn bộ lưu lượng phương tiện kinh doanh vận tải hành khách, gắn với di biến động của lực lượng lao động, người dân giao thương giữa Hà Nội và các địa phương vẫn ghi nhận các ca mắc mới.

"Đề nghị Cụm Cảng hàng không Nội Bài kiểm soát toàn bộ danh sách hành khách thường trú, lưu trú trên địa bàn thành phố trên các chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội để kịp thời giám sát khi có tình huống phát sinh," lãnh đạo thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

[Từ 17h, tạm dừng hoạt động quán ăn đường phố, trà đá vỉa hè]

Hà Nội cũng đề nghị toàn bộ người dân thực hiện nghiêm việc khai báo y tế online trong thời gian 24 giờ từ khi quay trở về thành phố.

Lãnh đạo Hà Nội giao các quận, huyện, thị xã chỉ đạo chính quyền, lực lượng chức năng cơ sở, Tổ COVID cộng đồng rà soát, nắm bắt, quản lý danh sách người từ các địa phương khác trở về Hà Nội, trong đó lưu ý người từ các tỉnh thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh và thành phố Đà Nẵng để quản lý, giám sát chặt chẽ.

Các đơn vị phải khuyến cáo người dân chỉ di chuyển qua các địa phương nêu trên trong trường hợp thực sự cần thiết, thực hiện đầy đủ thông điệp 5K và các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế./.

Trước đó, để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, ngày 3/5, Chủ tịch Hà Nội đã có công điện 06/CĐ-UBND yêu cầu tạm dừng mở cửa đón khách tại các khu di tích, cơ sở tôn giáo; tạm dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè, càphê vỉa hè.

Ngày 11/5, Ủy ban Nhân dân thành phố có công văn yêu cầu tạm dừng hoạt động các nhà hàng bia, quán bia, bia hơi cũng như giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường có nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19.

Từ 12 giờ ngày 25/5, thành phố tiếp tục tạm dừng hoạt động các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu.

Tại Chỉ thị số 12/CT-UBND, Chủ tịch thành phố Chu Ngọc Anh yêu cầu không tụ tập quá 10 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; thực hiện nghiêm thông điệp 5K và các biện pháp phòng chống dịch.

Chỉ thị 12 cũng yêu cầu dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung đông người không cần thiết, trường hợp thực sự cấp thiết do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và chỉ được bố trí tối đa 50% chỗ ngồi trong hội trường, phòng họp, đảm bảo thực hiện giãn cách tối thiểu 2m và các biện pháp y tế...

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục