Hà Nội nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị đoạn Nội Bài-Ngọc Hồi

Thành phố Hà Nội sẽ triển khai nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị đoạn Nội Bài-Ngọc Hồi dựa trên nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia.
Đến nay, Hà Nội đã đưa vào khai thác vận hành đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Đến nay, Hà Nội đã đưa vào khai thác vận hành đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ủy ban Nhân dân thành phố thành phố Hà Nội vừa giao các sở, ngành liên quan và Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội triển khai nghiên cứu dự án tuyến đường sắt đô thị số 6, đoạn Nội Bài-Ngọc Hồi sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Australia thông qua Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội là đơn vị đầu mối để tiếp nhận tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia thông qua WB để nghiên cứu về tuyến đường sắt đô thị số 6.

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội có trách nhiệm làm việc với các chuyên gia của WB xác định lại nội dung của dự án Hỗ trợ kỹ thuật để lựa chọn các công việc phù hợp bảo đảm hiệu quả, tuân thủ các quy định của Việt Nam và kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng lâu dài (phục vụ cho việc chuẩn bị dự án ở các giai đoạn tiếp theo).

Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu trong nội dung nghiên cứu cần đề xuất các hình thức đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 6, đoạn Nội Bài-Ngọc Hồi để có thể huy động được các nguồn vốn tham gia đầu tư, trong đó nghiên cứu áp dụng mô hình TOD (phát triển định hướng giao thông) để khai thác các không gian ngầm tại các ga đường sắt đô thị, các khu đất lân cận của tuyến đường (đặc biệt là điểm đầu và điểm cuối) để có thể thu hồi một phần vốn đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị, nâng cao hiệu quả đầu tư và giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội phối hợp với nhà tài trợ lập Văn kiện dự án Hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại để trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, quy định về quản lý sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài và quy định của nhà tài trợ.

Các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại vụ, Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn để Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ theo đúng quy định.

[Tại sao đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM liên tục đội vốn, lùi tiến độ?]

Hiện, thành phố Hà Nội đang triển khai các dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn-ga Hà Nội (điều chỉnh thời gian hoàn thành từ 2009-2022 thành 2009-2027); Yên Viên-Ngọc Hồi (được phê duyệt dự án đầu tư từ năm 2007-2017 sau đó điều chỉnh thực hiện từ năm 2017-2024); Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo (thời gian thực hiện từ năm 2009-2015 và điều chỉnh hoàn thành vào năm 2027).

Đến nay, Hà Nội đã đưa vào khai thác vận hành đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông từ tháng 11/2021.

Theo báo cáo của đơn vị vận hành khai thác cho thấy hiệu quả khai thác vận tải hành khách khu vực được nâng cao. Sau 10 tháng vận hành khai thác 6 đoàn tàu, giãn cách chạy tàu 10 phút, vận chuyển được 5,45 triệu hành khách, bình quân 18.300 hành khách/ngày, tỷ lệ sử dụng vé tháng bình quân trong ngày chiếm 55-60%, giờ cao điểm 75-80%.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả vận hành khai thác tuyến đường sắt, đơn vị khai thác đã triển khai điều chỉnh biểu đồ chạy tàu từ ngày 1/9/2022 để vận hành khai thác 9 đoàn tàu, giãn cách chạy tàu 6 phút./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục