Hà Nội có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ hát cho nhau nghe, đây là một hình thức "lách luật" của các cơ sở kinh doanh karaoke nhằm tránh sự quản lý của các cơ quan chức năng.
Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội với 30 quận, huyện, thị xã về triển khai Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội và Quyết định Phân cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn thành phố Hà Nội, diễn ra ngày 29/3.
Theo đó, tại Quyết định số 14/2024/QĐ-UBND, Ủy ban Nhân dân thành phố tiếp tục phân cấp cho Ủy ban Nhân dân cấp huyện cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn thành phố Hà Nội theo quy định của pháp luật, Nghị định số 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Ủy ban Nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác quản lý nhà nước về các hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn quản lý.Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, huyện Thạch Thất có 23 xã, thị trấn với nhiều cơ quan, doanh nghiệp, khu công nghệ cao. Do nhu cầu sinh hoạt giải trí rất lớn, dịch vụ kinh doanh văn hóa ngày càng phát triển. Theo thống kê đến cuối tháng 2/2024, trên địa bàn huyện có 132 cơ sở kinh doanh karaoke và dịch vụ hát cho nhau nghe, trong đó có 21 cơ sở kinh doanh karaoke.
Đặc thù của hoạt động kinh doanh karaoke ở khu vực nông thôn là tỷ lệ hộ gia đình tự kinh doanh chiếm trên 90%. Mỗi cơ sở kinh doanh thường có 2-3 phòng hát. Trên địa bàn huyện không có loại hình kinh doanh vũ trường, quán bar, không có nhà hàng biểu diễn nghệ thuật sử dụng nhạc mạnh. Qua kết quả kiểm tra hiện nay, 24 cơ sở kinh doanh karaoke và dịch vụ hát cho nhau nghe có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; toàn bộ cơ sở kinh doanh karaoke và dịch vụ hát cho nhau nghe không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy, đang tạm đình chỉ kinh doanh.
Đối với các cơ sở kinh doanh không đủ điều kiện, huyện đều có biên bản, quyết định tạm đình chỉ, các cơ sở cố tình hoạt động đều có quyết định xử phạt.
Lãnh đạo huyện Thạch Thất nhấn mạnh, cơ sở kinh doanh dịch vụ hát cho nhau nghe là một hình thức "lách luật," tránh sự quản lý của các cơ quan nhà nước cấp huyện, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý cho các cơ quan chức năng.
Do đó, huyện đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về công tác quản lý 2 loại hình kinh doanh này; đề nghị các sở, ngành tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành quy chế quản lý, chế tài xử lý đối với các cơ sở kinh doanh karaoke dưới hình thức dịch vụ hát cho nhau nghe.
Tại quận Hoàn Kiếm, trong một tháng triển khai Quyết định 14 nhưng quận chưa tiếp nhận hồ sơ của cá nhân, tổ chức xin cấp phép về kinh doanh karaoke. Thực tế, diện tích nhà đất để làm cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quận đều nhỏ hẹp, vì vậy để đáp ứng các điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định gặp nhiều khó khăn, ví dụ như điều kiện đảm bảo có 2 cầu thang thoát hiểm.
Hiện nay, toàn bộ 16 cơ sở kinh doanh karaoke ở quận Hoàn Kiếm đã dừng hoạt động, trả mặt bằng không kinh doanh hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh sang nhà hàng, trong đó 1 cơ sở thực hiện quyết định tạm dừng kinh doanh do không đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy.
Trên thực tế, 12 cơ sở trả giấy phép kinh doanh karaoke chuyển đổi mục đích kinh doanh sang nhà hàng nhưng vẫn cho khách vừa ăn vừa hát, gây khó khăn trong công tác quản lý và xử lý vi phạm.
Tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định Quyết định số 14/2024/QĐ-UBND đã quy định rất rõ vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã. Phó Giám đốc Sở đề nghị các quận, huyện, thị xã rà soát lại danh sách các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn, có thể công khai các hộ kinh doanh karaoke đủ điều kiện kinh doanh trên hệ thống Cổng thông tin điện tử của quận, huyện, các nền tảng quản lý, xuống thôn, xóm, tổ dân phố…
Các cơ sở kinh doanh karaoke phải tuyệt đối đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Đối với dịch vụ kinh doanh hát cho nhau nghe, Sở Văn hóa và Thể thao giao cho Phòng Quản lý nghệ thuật phối hợp với Phòng Quản lý văn hóa có hướng dẫn gửi xuống các quận, huyện, thị xã; tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp giải đáp thắc mắc về vấn đề này…/.
Hà Nội: Chỉ 7,3% cơ sở khắc phục xong tồn tại về phòng cháy, chữa cháy năm 2023
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, hiện chỉ có 66/2.980 cơ sở trên địa bàn hoàn thành khắc phục các tồn tại về đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.