Hà Nội: Thanh tra những lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm

Nhờ định hướng đúng, năm 2013, công tác thanh tra của Hà Nội đã phần nào tạo được bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Hà Nội: Thanh tra những lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm ảnh 1Lực lượng Thanh tra giao thông quận Hoàng Mai hướng dẫn các phương tiện xuất bến để tránh xảy ra tình trạng ùn tắc tại bến xe Giáp Bát. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Xác định công tác thanh tra là một nhiệm vụ trọng tâm trong việc thực hiện “Năm kỷ cương hành chính - 2013", Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã tiến hành thanh tra, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố.

Nhờ định hướng đúng, sự kiên quyết trong trong tổ chức thực hiện, năm 2013, công tác thanh tra của Hà Nội đã phần nào tạo được bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức. Cũng qua thanh tra, không chỉ kiến nghị, thu hồi cho Ngân sách nhiều tỷ đồng, Hà Nội còn kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà trong thực thi công vụ và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.

Thanh tra để chấn chỉnh

Theo Thanh tra thành phố Hà Nội, năm 2013, Hà Nội đã triển khai 268 cuộc thanh tra; kiến nghị thu hồi 302,6 tỷ đồng; đã thu hồi 967 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 42 tập thể và 54 cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý, chuyển cơ quan điều tra 2 vụ. Đồng thời, đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị tập trung khắc phục sai phạm, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm; kiến nghị sửa đổi những bất cập trong công tác quản lý và thực hiện cơ chế, chính sách.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, lĩnh vực được thành phố tập trung thanh tra năm 2013 đều là những lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm như: Đầu tư xây dựng; tài chính ngân sách; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư với nhà nước đối với các dự án giao đất, cho thuê đất; công tác quản lý, sử dụng vốn ngân sách, tài chính doanh nghiệp; quản lý đất đai, môi trường; quản lý trật tự xây dựng; thanh tra công vụ; thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong việc thực hiện Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng... Qua thanh tra đã giúp lãnh đạo các đơn vị kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng.

Bài học kinh nghiệm của Hà Nội trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra là tăng cường, làm tốt công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Bên cạnh đó, thành phố thường xuyên quan tâm đến việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan thanh tra. Thành phố còn kiện toàn tổ chức và hoạt động của Thanh tra chuyên ngành, đơn cử như củng cố tổ chức của đội ngũ Thanh tra Xây dựng trong năm vừa qua nhằm tăng năng lực, chất lượng cho công tác thanh tra.

Tăng cường vị thế cơ quan thanh tra

Coi phòng chống tham nhũng là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm; trong đó, nhiệm vụ “phòng” được ưu tiên thực hiện, hàng năm Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị xây dựng và triển khai nghiêm các nhóm giải pháp phòng ngừa. Thành phố yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động để dân biết, dân làm và dân kiểm tra; chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại tất cả các đơn vị...

Để phòng ngừa tham nhũng, thành phố đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 435 công chức, viên chức, chủ yếu là ở khối quận, huyện. Ngành Thanh tra thành phố Hà Nội đã thực hiện 268 cuộc thanh tra, kết luận 225 cuộc về chuyên ngành này.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh, sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các đơn vị đóng vai trò quan trọng trong việc tạo chuyển biến về chất lượng của các cơ quan thanh tra; góp phần tăng cường vị thế của cơ quan thanh tra. Sự vào cuộc một cách đồng bộ của cả hệ thống chính trị sẽ làm chuyển biến về nhận thức và hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước nói chung và công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng nói riêng.

Ngoài ra, việc đôn đốc, giám sát xử lý sau thanh tra, tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; tăng cường kiểm tra, thanh tra trách nhiệm và phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan thanh tra cũng là một khâu hết sức quan trọng, góp phần đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính. “Nơi nào, đơn vị nào làm tốt những nội dung nêu trên thì nơi đó, đơn vị đó sẽ đạt được kết quả tốt trong công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng” - ông Khanh nói.

Những kinh nghiệm tốt sau “Năm kỷ cương hành chính - 2013" ở Hà Nội đã bước đầu đem lại những kết quả đáng ghi nhận; vai trò, vị trí của lực lượng thanh tra cũng đã được nâng lên một bước.

Tuy nhiên, Hà Nội cũng kiến nghị Thanh tra Chính phủ tiếp tục quan tâm rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống các văn bản phục vụ hoạt động thanh tra, nhất là quy định cụ thể chế tài xử lý đối với các đối tượng thanh tra không hợp tác thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra…Có như vậy, hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra mới thực sự phát huy trong thực tiễn./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục