Hà Nội thí điểm các mô hình Chuyển đổi Số tại các địa phương, đơn vị

Hà Nội đã xây dựng 39 mô hình Chính quyền Số, Kinh tế Số, Xã hội Số… của thành phố và lên kế hoạch triển khai thí điểm mô hình Chuyển đổi Số điển hình tại các cơ quan nhà nước.

Các đại biểu thực hiện lễ phát động. (Ảnh: TTXVN phát)
Các đại biểu thực hiện lễ phát động. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 12/1, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận Long Biên tổ chức Lễ phát động triển khai thí điểm các mô hình Chuyển đổi Số thành phố và phường Chuyển đổi Số.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết với quyết tâm đến năm 2023 xây dựng Thủ đô cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới, Hà Nội đã có định hướng cụ thể bằng Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy về Chuyển đổi Số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch 239/KH-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố về Chuyển đổi Số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch 310/KH-UBND về triển khai thí điểm mô hình Chuyển đổi Số điển hình tại các cơ quan nhà nước thành phố. Trong đó lựa chọn các đơn vị thực hiện là Sở Giao thông Vận tải, Cục Thuế, Báo Kinh tế và Đô thị và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện Hoàn Kiếm, Long Biên, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì, Ứng Hòa, Mê Linh, Đan Phượng, Thanh Oai, Phú Xuyên.

Quá trình xây dựng Kế hoạch, Sở Thông tin và Truyền thông đã trực tiếp khảo sát tại nhiều quận, huyện, từ đó xây dựng 39 mô hình Chính quyền Số, Kinh tế Số, Xã hội Số… của thành phố.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Minh Hải cho biết đây là chuỗi hoạt động nhằm thúc đẩy Chuyển đổi Số năm 2024 của thành phố với chủ đề năm “Quản trị dựa trên dữ liệu số.”

Ủy ban Nhân dân thành phố đánh giá cao đề xuất của Sở Thông tin và Truyền thông với vai trò là đầu mối tổng hợp, tham mưu, điều phối hoạt động, thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của thành phố trong việc thúc đẩy Chuyển đổi Số, phát triển Kinh tế Số, Xã hội Số, góp phần đẩy nhanh quá trình Chuyển đổi Số, xây dựng thành phố thông minh; đồng thời cũng đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của quận Long Biên đã chủ động đề xuất để triển khai trên địa bàn quận.

hn-chuyen-doi-so2-1590.jpg
Các đại biểu tham gia lễ phát động. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Minh Hải, Hà Nội với quy mô hơn 10 triệu dân, việc triển khai Chuyển đổi Số trên địa bàn có không ít thách thức.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, đặc biệt trong hai năm 2022-2023, với sự quyết liệt chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp đã tạo ra sự biến chuyển tích cực trong công tác tổ chức triển khai Chuyển đổi Số của các cơ quan nhà nước.

Nhằm hỗ trợ tối đa người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (mức thu bằng “không”).

Một số văn bản quan trọng được tham mưu ban hành như Quy chế bảo đảm an toàn thông tin; Quy chế hoạt động của các hệ thống thông tin của thành phố; Quyết định danh mục dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp…

Đến nay, lãnh đạo thành phố đã thực hiện ký số hoàn toàn trên Hệ thống phần mềm dùng chung Quản lý văn bản và Điều hành thành phố Hà Nội; 100% các cơ quan nhà nước thành phố đã triển khai ký số văn bản trên hệ thống. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố 3 cấp được kết nối với Trung ương…

Trong năm 2023, một số mô hình Chuyển đổi Số đã được các đơn vị đề xuất, tổ chức triển khai thí điểm hiệu quả.

Nhằm tiếp tục thúc đẩy Chuyển đổi Số trên địa bàn, phát huy sự chủ động, sáng tạo của các địa phương, Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm mô hình Chuyển đổi Số điển hình tại các cơ quan nhà nước.

Hoạt động nhằm thí điểm triển khai, áp dụng một số mô hình trong Chuyển đổi Số phù hợp đặc thù của từng địa phương, đơn vị; đẩy mạnh Chuyển đổi Số, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của địa phương, đơn vị; bảo đảm triển khai phù hợp, hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn; thí điểm, lựa chọn mô hình chuyển đối số thành công để nhân rộng toàn địa bàn thành phố.

Hà Nội xác định Chuyển đổi Số năm 2024 với chủ đề “Quản trị dựa trên dữ liệu số.” Ngoài mục tiêu triển khai hiệu quả các mô hình Chuyển đổi Số điển hình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Minh Hải mong muốn các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn chung tay, quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu Chuyển đổi Số, với quan điểm người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm vừa là chủ thể của Chuyển đổi Số.

Thành phố hướng tới việc người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh, dễ dàng, an toàn các dịch vụ công, ứng dụng số, nền tảng số; được cung cấp thông tin đầy đủ, được phục vụ kịp thời, hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục