Ha Noi xet nghiem dien rong bang ky thuat RT-PCR cho 1,3 trieu dan hinh anh 1Đợt cao điểm xét nghiệm từ ngày 9/8 đến 17/8 của Hà Nội với tổng số khoảng 1,3 triệu mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 10/8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Kế hoạch số 184/KH-UBND triển khai xét nghiệm diện rộng để chủ động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Đợt cao điểm xét nghiệm từ ngày 9/8 đến 17/8, tập trung thực hiện xét nghiệm với tổng số khoảng 1,3 triệu mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR.

Trong đó, xét nghiệm cho toàn bộ người dân tại “nhóm đỏ”; xét nghiệm cho những người có ho, sốt, khó thở... qua khai báo y tế; xét nghiệm cho “nhóm da cam” bao gồm các đối tượng là nhân viên y tế, bệnh nhân, lực lượng tham gia phòng, chống dịch, người lao động trực tiếp tại các chuỗi cung ứng thực phẩm, chợ, siêu thị, lái xe, người giao hàng, bảo vệ tòa nhà...

Trên cơ sở chỉ định chuyên môn dịch tễ và xét nghiệm “vùng xanh” theo hộ gia đình tại các quận và các huyện có nguy cơ cao, mỗi hộ gia đình lấy đại diện 1 mẫu của 1 thành viên có nguy cơ cao nhất (có thể căn cứ theo tiền sử di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, thường xuyên tới các khu vực nguy cơ cao như bệnh viện, chợ...).

[Sáng 11/8, Hà Nội ghi nhận 3 ca mắc COVID-19 ở huyện Thanh Trì]

Song song với việc thực hiện xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR cho người dân “nhóm đỏ,” đối tượng nguy cơ cao và “nhóm xanh” tại các quận và một số huyện có nguy cơ cao, các địa phương còn lại chủ động triển khai xét nghiệm test nhanh theo hướng dẫn chuyên môn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, dự kiến thực hiện 2 triệu test nhanh.

Sau đợt cao điểm, căn cứ diễn biến dịch bệnh, Sở Y tế chỉ đạo đánh giá nguy cơ để tiếp tục triển khai xét nghiệm theo chỉ định dịch tễ.

Thành phố sử dụng 2 phương pháp xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR phát hiện vật chất di truyền của SARS-CoV-2 (phương pháp RT-PCR) và phương pháp xét nghiệm nhanh để xác định nhiễm SARS-CoV-2 (phương pháp test nhanh). Trong đó, thành phố ưu tiên sử dụng phương pháp RT-PCR để tránh bỏ sót nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc xác định các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

Để thực hiện kế hoạch, Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu huy động mọi nguồn lực triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn thành phố, bảo đảm chỉ định xét nghiệm đúng, trúng khu vực nguy cơ, nhóm đối tượng nguy cơ và mở rộng xét nghiệm theo đại diện hộ gia đình.

Các đơn vị phải bảo đảm công tác chuẩn bị chu đáo, toàn diện, chỉ đạo chặt chẽ; phương án lấy mẫu, làm xét nghiệm thống nhất, phù hợp năng lực xét nghiệm trong 24 giờ, không để mẫu tồn; bảo đảm công tác hậu cần đầy đủ, đồng bộ và có sự phối hợp chặt chẽ, hiệp đồng linh hoạt giữa các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm an toàn khi lấy mẫu, giãn cách phù hợp, không lây nhiễm chéo.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định cùng với chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử Thủ đô, đây cũng là đợt lấy mẫu xét nghiệm lớn nhất từ trước đến nay trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Với kế hoạch này, ngành y tế quyết tâm thực hiện nhanh nhất kế hoạch để đạt được mục tiêu phát hiện, khoanh vùng ổ dịch, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết triệt để F1, khoanh vùng và giảm “vùng đỏ” (vùng có dịch), không để phát sinh chùm ca bệnh mới và bảo đảm an toàn, giữ vững “vùng xanh” hiệu quả, từng bước đẩy lùi dịch bệnh như chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố./.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, sáng 11/8 trên địa bàn thành phố chỉ ghi nhận thêm 3 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2. Cả 3 bệnh nhân đều ở Thanh Trì và thuộc chùm ho, sốt thứ phát. Đây cũng là những trường hợp đã được cách ly.

Tính riêng từ ngày 5/7 đến nay, Hà Nội có 1.406 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2; trong đó từ thời điểm bắt đầu áp dụng giãn cách xã hội từ 24/7 đến nay, sau 18 ngày, số ca mắc COVID-19 là 1.253 ca.

Số ca tử vong của Hà Nội: 30 ca

Xuân Quảng (Vietnam+)