Theo phóng viên TTXVN tại Praha, ngày 21/6, Hạ viện Séc do liên minh cầm quyền gồm 5 đảng chiếm đa số đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật cho phép công dân Séc sinh sống ở nước ngoài được bỏ phiếu qua đường bưu điện.
Phe đối lập gồm phong trào ANO và đảng Tự do Dân chủ Trực tiếp (SPD) đã bày tỏ nghi ngờ về tính hợp hiến và chính xác của phương thức bỏ phiếu này.
Dự luật sửa đổi nhận được sự ủng hộ của 92/168 hạ nghị sĩ có mặt, trong khi có 75 hạ nghị sỹ của ANO và SPD bỏ phiếu chống, 1 nghị sỹ ANO bỏ phiếu trắng. Phiên bỏ phiếu được tiến hành sau các cuộc tranh luận kéo dài tới 96 giờ.
Theo dự thảo luật được Hạ viện Séc thông qua, công dân Séc ở nước ngoài được tham gia bỏ phiếu qua đường bưu điện đối với các cuộc bầu cử tổng thống, quốc hội và Nghị viện châu Âu.
Những cử tri này sẽ được ghi vào danh sách cử tri tại đại sứ quán Séc, phải nộp đơn xin bỏ phiếu qua đường bưu điện, thông báo địa chỉ muốn được gửi phong bì chuyển phát và phiếu bầu cũng như giấy chứng nhận nhân thân.
Cử tri sẽ ký tên xác nhận, in lá phiếu từ hệ thống quản lý bầu cử sau đó bỏ phiếu bầu cùng giấy chứng nhận nhân thân vào phong bì gửi lại cho đại sứ quán Séc tại địa bàn.
Những người ủng hộ cho rằng phương thức bầu cử này cơ bản loại trừ khả năng cử tri bỏ phiếu hai lần, đồng thời tạo điều kiện cho công dân Séc không phải di chuyển hàng trăm km đến các đại sứ quán để bỏ phiếu.
Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng phương thức bỏ phiếu này không phù hợp với Hiến pháp Séc vốn quy định bầu cử là cá nhân, tự do và bí mật.
Hạ nghị sỹ Radek Vondracek của ANO cảnh báo dự luật có thể gây chia rẽ xã hội Séc hơn nữa và việc bỏ phiếu qua đường bưu điện gây ra “một số nghi ngờ về độ tin cậy của cuộc bầu cử.”
Dự thảo luật sẽ tiếp tục được trình lên Thượng viện Séc và cần được Tổng thống Séc phê chuẩn. Nếu dự luật được thông qua, công dân Séc ở nước ngoài có thể lần đầu tiên bỏ phiếu qua đường bưu điện trong cuộc bầu cử Hạ viện vào năm 2025./.
Cử tri Ireland và Cộng hòa Séc bắt đầu bỏ phiếu bầu Nghị viện châu Âu
Phe cực hữu ở châu Âu tìm cách khai thác sự bất bình của các cử tri đang mệt mỏi vì liên tiếp xảy ra các cuộc khủng hoảng trong 5 năm qua, từ COVID-19 cho đến hậu quả của cuộc xung đột tại Ukraine.