Hải quân Iran có thể đối mặt với hệ thống laser mới của Mỹ?

Iran đang bị đặt trong tình trạng báo động sau khi Mỹ tuyên bố đã gắn các tia laser công nghệ cao có sức công phá mạnh vào các tàu chiến của mình.
Hải quân Iran có thể đối mặt với hệ thống laser mới của Mỹ? ảnh 1Hải quân Mỹ phóng thử nghiệm một loại tên lửa ở ngoài khơi vùng biển bang Florida ngày 11/5/2019. (Ảnh: Fox News/TTXVN)

Theo trang mạng express.co.uk, Iran đang bị đặt trong tình trạng báo động sau khi Mỹ tuyên bố đã gắn các tia laser công nghệ cao có sức công phá mạnh vào các tàu chiến của mình, điều này làm dấy lên câu hỏi về việc liệu Tehran có thể sống sót sau một cuộc tấn công của hải quân Mỹ hay không?

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Tehran và Washington tiếp tục leo thang sau khi Iran rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015, nhiều người lo ngại rằng một cuộc xung đột đang cận kề.

Tuy nhiên, cuộc chiến này sẽ không xảy ra trên mặt đất, mà theo Tiến sỹ Paul Stott thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Ngoại giao (CISD) của Vương quốc Anh, nó có thể sẽ diễn ra giữa hai lực lượng hải quân.

Với những tin tức về việc Mỹ đã lắp đặt các tia laser mới trên các tàu chiến với khả năng tiêu diệt máy bay không người lái và các mục tiêu trên mặt đất, hải quân Iran có thể sẽ gặp khó khăn nếu chiến tranh nổ ra - tuy nhiên, họ vẫn có những lợi thế đáng kể để có thể đe dọa bất kỳ tàu chiến xâm lược nào.

Nếu Iran đóng cửa Eo biển Hormuz - một tuyến đường vận chuyển dầu mỏ quan trọng - Washington có thể viện cớ đó để tiến hành một cuộc xâm lược bằng hải quân. Tự hào với hệ thống tia laser - vốn có thể giám sát, theo dõi và tiêu diệt các mục tiêu từ xa - Hải quân Mỹ gần đây cũng đã phát triển các tàu tuần tra Mark IV mới.

Đây là bản nâng cấp khổng lồ của xuồng tuần tra cao tốc RCB, vốn từng bị Iran thu giữ 2 chiếc vào năm 2016, và sở hữu những hệ thống vũ khí tiên tiến. Rõ ràng, sức mạnh Hải quân Mỹ về tổng thể vượt xa khả năng của Tehran.

['Điểm sôi' vùng Vịnh và cuộc chơi chưa hồi kết của Anh, Mỹ với Iran]

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, Hải quân Iran có thể nhỏ bé, nhưng đó là một lực lượng quyết đoán và có kỹ năng tốt. Một báo cáo năm 2017 cho thấy cách hạm đội chủ yếu được tạo thành từ các tàu tấn công nhanh và các lớp thủy lôi như thế nào.

Báo cáo cho biết: “Hải quân thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGCN) đã chọn các tàu nhỏ hơn, nhanh hơn, được trang bị các hệ thống vũ khí có uy lực, như tên lửa hành trình và ngư lôi. Họ tin rằng việc sở hữu các loại tàu này với số lượng đủ sẽ cho phép họ đe dọa các lực lượng hải quân nước ngoài và khắc phục sự tiêu hao sinh lực trong thời chiến.”

Iran cũng có thể tận dụng một số lợi thế tự nhiên hiện đang nắm giữ. Vị trí chiến đấu có khả năng là Eo biển Hormuz. Đây là vị trí đủ hẹp để cho phép các tàu tốc độ thực hiện các cuộc tấn công chớp nhoáng nhằm vào các tàu Mỹ.

Bất kỳ tàu Mỹ nào đi qua eo biển rộng 1,6 dặm sẽ dễ dàng bị phát hiện và có thể dễ dàng bị nhắm mục tiêu từ trên bờ bằng tên lửa chống hạm.

Kết hợp với vô số lớp mìn mà người Iran sở hữu, đây có thể là một trận chiến khó khăn với người Mỹ - những người sẽ không thể sử dụng kho vũ khí đầy đủ của họ trong một eo biển hẹp như vậy.

Chuyên gia Chiến lược Hàng hải James Holmes nhận định: “Đây là một thiết lập hoàn toàn phù hợp cho một cường quốc địa phương cấp thấp hơn như Cộng hòa Hồi giáo để thực hiện một chiến lược chống xâm nhập hoặc tiếp cận hiệu quả - gây rắc rối cho các thế lực thù địch trong khu vực và các thế lực hùng mạnh bên ngoài. Một bộ phận của lực lượng hàng hải Mỹ sẽ phải chuyển sang tấn công chống lại sức mạnh tổng hợp của quân đội Iran, bao gồm không chỉ các lực lượng trên biển mà còn cả sự hỗ trợ của hỏa lực từ trên bờ.”

Christopher Harmer, tác giả bài báo cáo nghiên cứu mang tên “Chiến lược hàng hải và hải quân của Iran,” đã viết: “Iran có quyền kiểm soát vật lý đối với các đảo Abu Musa, Greater Tunb và Lesser Tunb của Vịnh Ba Tư. Bằng cách thực hiện các cuộc tập trận tầm ngắn làm nổi bật sự kiểm soát các hòn đảo đang tranh chấp, Iran hy vọng sẽ củng cố yêu sách pháp lý của mình đối với các đảo, cũng như làm nổi bật khả năng quân sự của mình trước những kẻ thù tiềm năng.”

Cuộc đụng độ lớn gần đây nhất giữa tàu Iran và Mỹ - ngoài việc bắt giữ một tàu chở dầu vào đầu tuần này - diễn ra vào tháng 1/2016, khi 2 tàu chỉ huy của Mỹ bị hải quân Iran bắt giữ sau khi tiến vào Vịnh Ba Tư.

Cuộc đụng độ vào một ngày của năm 1988 đã khiến 56 người Iran thiệt mạng do 2 tàu khu trục và một tàu tấn công đổ bộ của Mỹ gây ra, trong khi một năm trước đó, các tàu chiến Mỹ đã buộc các lực lượng Iran phải sơ tán khỏi 2 tiền đồn quan trọng ở Vịnh Ba Tư.

Vào năm 2014, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ đã nhanh chóng loại bỏ mọi mối đe dọa khi 2 tàu Iran tiến về phía bờ biển phía Đông.

Căng thẳng giữa Tehran và Washington gia tăng vào tháng 6 vừa qua khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ trên không phận Iran, sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã hủy bỏ các cuộc không kích trả đũa chỉ trước chúng được thực hiện “vài phút”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục