"Hàn thử biểu" cho chính sách đối ngoại của Israel

Theo báo cáo Chỉ số chính sách đối ngoại Israel chỉ ra rằng 50% người dân Israel được hỏi muốn chính phủ quay trở lại bàn đàm phán để đạt được thỏa thuận hòa bình với chính quyền Palestine.
"Hàn thử biểu" cho chính sách đối ngoại của Israel ảnh 1Binh sỹ Israel gác bên ngoài lối vào đường hầm nối Palestine với Israel tại khu vực Kissufim bên phía Israel ngày 18/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo Chỉ số chính sách đối ngoại Israel (IFPI) công bố hôm 29/10, hơn nửa số dân Israel (51%) khi được hỏi đã phản đối việc đàm phán với Phong trào Hồi giáo Hamas về một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài.

IFPI là cuộc thăm dò ý kiến công chúng hàng năm do Viện Mitvim của Israel thực hiện vào tháng 9/2018, tập trung chủ yếu vào các vấn đề an ninh chính trị.

Theo IFPI, chỉ có 32% người dân được hỏi cho là có lợi nếu tiến hành các cuộc đàm phán với phong trào Hamas.

Mặc dù có quan điểm đối lập về một thỏa thuận với các nhà cầm quyền ở Gaza, nhưng 43% người dân Israel muốn chính phủ cải thiện điều kiện sống của người dân nơi đây, trong khi 38% cho rằng chính sách gia tăng áp lực kinh tế đối với khu vực này là phù hợp.

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rằng 50% người dân Israel được hỏi muốn chính phủ quay trở lại bàn đàm phán để đạt được thỏa thuận hòa bình với chính quyền Palestine, trong khi 49% tin rằng hòa bình giữa Israel và Palestine là không cần thiết khi mà Israel đang thiết lập được mối quan hệ tốt hơn với thế giới Arab.

Tuy nhiên, 33% người dân tin tưởng rằng bước đột phá trong quan hệ với các quốc gia Ả Rập phụ thuộc vào việc bình thường hóa quan hệ với chính quyền Palestine.

Đại đa số người dân Israel (69%) khi được hỏi đều cho rằng hợp tác khu vực giữa Israel và các nước Trung Đông khác là có thể, trong khi 19% cho rằng là không thể. Tuy nhiên, 41% cho rằng họ sẽ không đến thăm một quốc gia Arab nào cho dù có cơ hội và 28% không ủng hộ bất kỳ hình thức đối thoại nào với bất kỳ quốc gia Arab nào.

[Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas hạ nhiệt căng thẳng]

Những người tin vào tầm quan trọng của việc phát triển mối quan hệ với thế giới Arab cho rằng Ai Cập và Saudi Arabia là hai quốc gia Hồi giáo quan trọng nhất mà Israel cần phát triển hợp tác.

Các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại khác làm nảy sinh mối quan tâm của người dân Israel - bên cạnh cuộc xung đột và quan hệ giữa Israel và Palestine với thế giới Arab - là mối quan hệ của Israel với Nga hay việc liên quan đến phong trào “Tẩy chay, Tước đoạt và Trừng phạt Israel."

Liên quan việc cấm công dân nước ngoài nhập cảnh vào Israel, 46% số người được hỏi ủng hộ việc cho phép nhập cảnh bất cứ ai không gây ra mối đe dọa nào về an ninh, trong khi 41% cho rằng nên từ chối nhập cảnh đối với những người kêu gọi tẩy chay Israel và các khu định cư Do Thái.

Israel coi Nga là quốc gia quan trọng nhất bên cạnh Mỹ, tiếp đến là Đức, Anh, Trung Quốc, Pháp và Ai Cập.

Hầu hết công dân Israel tin rằng Liên minh châu Âu (EU) ngày nay có thái độ thù địch hơn với Israel. Công chúng cũng bị chia rẽ về việc liệu Israel có nên cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ hay không, với 42% số người ủng hộ và 45% phản đối.

Khi đề cập đến quan hệ giữa Israel-Mỹ, những người được hỏi xếp ở mức 7,75/10, với 63% số người cho rằng đây là mối quan hệ tốt đẹp, so với tỷ lệ 41% vào năm 2017.

Khoảng 58% số người được hỏi cho rằng việc thiếu một bộ trưởng ngoại giao chuyên trách là một yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đối ngoại của Israel, chỉ có 5% xem đó là một điều tích cực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục