Hãng Foxconn và vấn nạn tự tử trong công nhân

Hãng sản xuất điện tử Foxconn thừa nhận rằng họ không lí giải nổi tại sao tình trạng công nhân của họ ở Trung Quốc tự sát tăng cao.
Nhà sản xuất thiết bị điện tử và linh kiện máy tính lớn nhất thế giới Foxconn cho biết trong ba tuần qua, họ đã ngăn chặn được gần 30 ý định tự tử nhờ việc thiết lập một đường dây nóng tư vấn cho nhân viên.

Nhưng Foxconn cũng phải thừa nhận rằng họ bó tay không lí giải nổi tại sao tình trạng tự sát lại tăng như vậy trong đội ngũ công nhân của công ty này tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Foxconn, thương hiệu Đài Loan được biết đến rộng rãi như là nhà sản xuất iPhone cho Apple, đang trở thành tâm điểm chú ý. Ngày 11/5 vừa qua, lại một nữ công nhân nữa tự sát tại Thâm Quyến. Đó là thảm kịch thứ 8 tại Foxconn kể từ đầu năm nay, trong đó 6 người thiệt mạng và 2 người bị thương nặng.

Foxconn thanh minh rằng tất cả các vụ tự tử trên đều vì những vấn đề cá nhân, nhưng họ chịu không giải thích được tại sao nhiều công nhân của mình lại muốn tìm đến cái chết như vậy. Kể từ giữa tháng 4, Foxconn lập một đường dây nóng ngăn chặn tự sát tại nhà máy chính của mình ở Thâm Quyến.

Ngay cả số điện thoại đặc biệt này (785785) đọc theo tiếng Trung cũng tương tự như là “Hãy giúp tôi.” Và theo người phát ngôn công ty, đường dây luôn bận rộn với những cuộc gọi xin được hỗ trợ hoặc thông báo các trường hợp khả nghi. Tính trung bình, mỗi ngày có ít nhất 2 cuộc gọi như vậy.

Lo ngại trước vấn nạn bí ẩn này, Foxconn thậm chí còn treo thưởng 500 Nhân dân tệ (hơn 70 USD) cho các thông tin giúp ngăn chặn được một vụ tự tử. Trong tháng này, công ty cũng mời các cao tăng từ tỉnh Sơn Tây đến làm lễ cầu siêu để an ủi vong hồn những người đã khuất và giải trừ “vận xui.”

Foxconn tuyên bố họ đang làm tất cả những gì có thể cho đội ngũ hơn 400.000 công nhân của mình ở Thâm Quyến, từ các khu nhà ở tốt, các quán càphê Internet, 5 bể bơi và nhiều sân bóng rổ…Ngay cả các chuyên gia tâm lý giỏi nhất Trung Quốc cũng đang được công ty mời đến để lí giải tình trạng tự tử gia tăng.

Chuyện riêng tư hay sức ép công việc?

Các chuyên gia tâm lý mà Foxconn mời đến cho rằng một phần nguyên nhân là bởi ảnh hưởng “kích động đám đông” trong số các công nhân trẻ. Những công nhân tự sát vừa qua ở độ tuổi từ 18 đến 24, đã làm việc ở nhà máy ít nhất 6 tháng.

Còn theo cảnh sát, động lực các vụ tự tử này hoặc vì rắc rối trong chuyện tình cảm, hoặc vì vấn đề gia đình. Foxconn luôn khẳng định điều kiện làm việc không liên quan gì và họ luôn hợp tác, làm rõ với cảnh sát từng vụ một.

Tuy nhiên, các gia đình nạn nhân không đồng tình. Mã Huệ, chị của Mã Hướng Tiền, công nhân 19 tuổi được phát hiện nằm chết gần cầu thang một khu nhà công nhân ngày 23/1 vừa qua, tuyên bố mạnh mẽ: “Em tôi không bao giờ tự tử cả. Hẳn cậu ấy chết vì điều kiện làm việc tồi tệ.”

Bản thân những thông tin từ cảnh sát địa phương cũng khiến thân nhân nạn nhân phải đặt dấu hỏi. Ban đầu, cảnh sát Bảo An (nơi Foxconn đặt nhà máy) cho biết Mã Hướng Tiền chết vì nguyên nhân liên quan đến sức khỏe. Sau đó, cảnh sát lại thay đổi, cho rằng công nhân này tử vong vì rơi từ trên cao xuống.

Apple, hãng thuê Foxconn sản xuất Iphone, từ chối bình luận trực tiếp về các vụ tự tử mà chỉ nói rằng Apple luôn tuân thủ “bảo đảm các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội cao nhất ở những nơi mà sản phẩm Apple được sản xuất.”

Lúc này, chính Foxconn cũng phải thừa nhận rằng vấn nạn tự tử trong công nhân đang “nằm ngoài khả năng giải quyết của công ty.” Người phát ngôn Foxconn nói: “Thành thật mà nói, với tư cách một công ty, chúng tôi đang phải đảm đương quá nhiều trách nhiệm xã hội. Chúng tôi không chỉ điều hành một nhà máy mà còn phải chăm sóc đời sống hàng ngày cho hơn 400.000 con người.”

Giới truyền thông Trung Quốc nhận xét chính quyền Đặc khu kinh tế Thâm Quyến không nên để một mình Foxconn lo liệu mọi khía cạnh cuộc sống công nhân. Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) bình luận: “Đó là quy mô của một thành phố nhỏ, nhưng lại không phải là thành phố. Ở một thành phố, mọi người sống với gia đình, nhận được tình yêu thương, sự chăm sốc và hỗ trợ tâm lý. Nhưng ở đây, đó là một nhà máy”./.

Trung Sơn/Hongkong (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục