Hàng nghìn hécta lúa ở Sóc Trăng có nguy cơ mất trắng do hạn mặn

Một vụ mùa mất trắng với người dân Long Phú dù đã được dự báo trước, nhưng cái kết của sự “xé rào” làm vụ 3 của nông dân Long Phú vẫn chưa đủ cảnh tỉnh nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Hàng nghìn hécta lúa ở Sóc Trăng có nguy cơ mất trắng do hạn mặn ảnh 1Hạn, mặn đã gây thiệt hại cho nhiều diện tích lúa. Ảnh minh họa. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Bất chấp những khuyến cáo của ngành chức năng, nông dân trên địa bàn huyện Long Phú, Thạnh Trị... của tỉnh Sóc Trăng vẫn xuống giống sản xuất lúa vụ Đông Xuân muộn (còn gọi là lúa vụ 3).

Hệ quả là trước ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn gay gắt trong quãng thời gian qua, những đồng lúa chết khô đã xuất hiện ngày càng nhiều trên các cánh đồng Long Phú.

Một vụ mùa mất trắng với người dân Long Phú dù đã được dự báo trước, nhưng cái kết của sự “xé rào” làm vụ 3 của nông dân Long Phú vẫn chưa đủ cảnh tỉnh nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng bởi sức hấp dẫn từ năng suất và giá bán từ vụ 3 quá lớn.

Tại huyện Long Phú, địa phương có đến hàng ngàn hécta lúa vụ Đông Xuân muộn được bà con xuống giống đã và đang thiếu nước trầm trọng, có nguy cơ sẽ thiệt hại trắng khiến nông dân điêu đứng.

[Ứng phó hạn, mặn - sự chủ động của người dân là yếu tố quyết định]

Qua ghi nhận của phóng viên, dọc theo nhiều tuyến đường, những cánh đồng lúa đã chuyển dần qua màu vàng úa, cháy khô, đất mặt ruộng nứt nẻ và khô khốc.

Bất lực nhìn 2 công lúa (mỗi công 1.000 m2) của gia đình đang bị chết khô vì thiếu nước, ông Thạch Hiền ở ấp Khoan Tang, thị trấn Long Phú than thở, sau khi sạ xong lúa vụ 3 thì nước mặn xâm nhập, đến nay đám ruộng hơn 30 ngày tuổi của gia đình không có nước cứu, vụ này coi như mất trắng.

Cũng theo ông Thạch Hiền, trước đó, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng xâm nhập mặn năm 2020 này sẽ xảy ra từ rất sớm và gay gắt, nhưng vì Đông Xuân muộn là vụ trúng mùa, trúng giá nhất trong năm nên ông và một số nông dân đã quyết định xuống giống.

Ông Thạch Hiền chia sẻ, nông dân làm ruộng trông chờ vụ 3 này. Nhưng năm nay vừa mới gieo sạ được mấy ngày là nước mặn đã tới, không kịp bơm nước nên lúa trên ruộng héo queo, nứt nẻ, mất trắng.

Tuy nhiên, theo ông Thạch Hiền thì dù bị mất trắng như vậy, nhưng nếu năm sau có nước ngọt nữa thì vẫn tiếp tục làm vụ 3.

Ông Trần Trí Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Long Phú cho biết, vụ lúa Đông Xuân muộn năm nay trên địa bàn thị trấn sản xuất hơn 238 ha. Thời điểm này, nhiều diện tích đã được hơn 20 ngày đến 30 ngày tuổi xem như mất trắng do xâm nhập mặn đến sớm.

Không chỉ thị trấn Long Phú, ruộng lúa tại nhiều cánh đồng ở các xã khác trên địa bàn huyện Long Phú như Long Đức, Trường Khánh, Tân Hưng… cũng trong tình trạng tương tự. Do tình hình xâm nhập mặn đến sớm hơn năm ngoái khoảng 1 tháng, độ mặn cao và kéo dài đã khiến nhiều nông dân điêu đứng.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú, vụ Đông Xuân muộn năm nay trên địa bàn huyện có khoảng 3.700ha, diện tích này đã giảm nhiều so với hơn 15.000ha của vụ mùa năm ngoái.

Ông Lâm Văn Vũ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú, cho biết ngay từ đầu năm ngành nông nghiệp huyện đã tham mưu Ủy ban Nhân dân huyện khuyến cáo bà con không sản xuất lúa vụ 3; đồng thời, tiến hành nạo vét trên 23 công trình thủy lợi để giữ nước phục vụ cho sản xuất và thống kê lại các tuyến dân cư tập trung để có phương án cấp nước sinh hoạt nếu mặn kéo dài.

Nhưng do nhiều nông dân vẫn chủ quan, chấp nhận “xé rào” xuống giống vụ 3, đến nay đã có hơn 1.500ha bị ảnh hưởng nặng, dự báo thời gian tới diện tích này sẽ tiếp tục tăng, thậm chí là mất trắng toàn diện tích vụ lúa Đông Xuân muộn của địa phương.

Hiện nay độ mặn ở các cống trên địa bàn huyện Long Phú trên 6%o, trong khi tại các con kênh nội đồng, nước đã cạn và độ mặn cũng có lên tới gần 3,8%o.

Ngành nông nghiệp huyện này tiếp tục theo dõi chặt chẽ nguồn nước và đo độ mặn để thông báo kịp thời cho người dân; chỉ đạo cho trạm quản lý thủy nông vận hành cống hợp lý, khuyến cáo cho nông dân lịch thời vụ, chọn giống lúa chất lượng và xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.

Dù nông dân trên địa bàn Long Phú đang chịu cảnh mất trắng lúa vụ 3 do hạn hán và xâm nhập mặn thì nông dân tại các xã như Lâm Tân, Lâm Kiết của huyện Thạnh Trị vẫn bất chấp những khuyến cáo của cơ quan chức năng đưa ra để tiếp tục xuống giống trong khi các dòng kênh đã bắt đầu cạn dần nước, mặc cho nguy cơ của một vụ mùa trắng tay khó mà tránh khỏi.

Theo chia sẻ của các hộ dân sản xuất vụ 3 tại Lâm Tân thì giá lúa vụ 3 cao lại tốn ít chi phí nên nông dân ai cũng tranh thủ sản xuất.

Trong niên vụ cùng kỳ năm trước, nông dân Thạnh Trị trúng giá lúa, lại trúng mùa nên vụ 3 năm 2020 này, sức hấp dẫn của vụ 3 khó cưỡng được, dù hiện tại, nhiều cánh đồng trên địa bàn huyện Thạnh Trị đã bị chết do nước xì phèn, nông dân đã bị trắng tay ngay khi trong thời kỳ nước ngọt.

Nạo vét kênh mương và việc duy tu bảo dưỡng các công trình thủy lợi luôn được ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng quan tâm chú trọng.

Tuy nhiên, trước áp lực của hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra hết sức gay gắt, cùng với đó là sự bất chấp, không tuân thủ theo lịch thời vụ và khuyến cáo của ngành chức năng tỉnh, cái kết đắng của mùa vụ sẽ vẫn là người nông dân phải chịu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục