Hành trình gian nan
Chị Hằng cho hay, chị có bị cảm cúm trong ba tháng đầu khi mang thai bé Phúc. Sau này bác sỹ phân tích rằng có thể lần cảm cúm đó là một trong những nguyên nhân khiến bé bị dị tật.
Không chỉ riêng chị Hằng, có rất nhiều người mẹ có con sinh ra bị sứt môi, hở hàm ếch đều cho hay họ có bị cảm cúm trong khi mang thai. Chị Phạm Thị Thao (31 tuổi) ở Liên Hồng, Gia Lộc, Hải Dương tâm sự, khi mang bầu sang tháng thứ năm chị có bị ốm và sốt. Sau đó chị phải dùng thuốc. Khi bé trai nhà chị sinh ra đã bị sứt môi, hở hàm ếch. Từ đó, chị lúc nào cũng cảm thấy bị giày vò, ân hận vì không mang đến cho con một cơ thể lành lặn.
Bác sỹ Nguyễn Thanh Thái, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình-Hàm mặt Bệnh viện Việt Nam-Cuba cho biết, hầu hết các bà mẹ sinh ra những đứa trẻ bị khe hở môi, hàm ếch từng mắc các bệnh trong ba tháng đầu mang thai như cảm cúm, ốm, sốt, rubella… Một số trẻ khác bị sứt môi, hở hàm ếch có thể do gen di truyền trong gia đình hoặc bị ảnh hưởng do người mẹ hút thuốc, uống rượu.
Bác sỹ Thái nhận định, trong các dị tật vùng hàm mặt thì sứt môi và hở hàm ếch là dị tật thường gặp ở trẻ. Những em bé bị khe hở môi hay bị viêm nhiễm đường hô hấp và có thể gây ra biến chứng nặng hơn như viêm phổi.
Trẻ bị khe hở môi càng để lâu sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, gặp khó khăn về vấn đề ăn uống, phát âm và dễ bị nói ngọng. Thêm vào đó, trẻ bị khe hở môi dẫn đến khe hở răng, gây rối loạn trong việc mọc răng, nhất là vùng răng cửa hàm trên, làm cho xương hàm trên kém phát triển hơn hàm dưới. Nếu không được phẫu thuật, trẻ bị khe hở môi, hàm ếch đến tuổi trưởng thành, khung xương hàm trên như hình lưỡi cày, bị móm.
Bác sỹ Thái cho hay: "Dù tình trạng trên không ảnh hưởng đến bộ não của trẻ nhưng khi lớn lên, trẻ có thể mặc cảm, thiếu tự tin vì nhận ra sự khiếm khuyết trên gương mặt của mình. Vì vậy, với những em bé này, việc phẫu thuật càng sớm, từ 4-6 tháng tuổi là hợp lý để cải thiện tốt nhất khả năng ăn uống, nói và cấu tạo khuôn mặt."
Đặc biệt, những cháu bé khe hở môi, hàm ếch bẩm sinh phải có kế hoạch phẫu thuật, điều trị xuyên suốt. Từ khi sinh ra đến khi trưởng thành, các em phải trải qua ít nhất 6 đợt phẫu thuật mới có thể trở lại được bình thường. Do quá trình điều trị khá dài, chi phí tốn kém nên nhiều trẻ không có điều kiện đến các trung tâm để được tư vấn điều trị mà chỉ thuần túy là vá, đóng lại khe hở môi để giúp trẻ có thể ăn uống được, đỡ bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày.
Theo thông tin từ Tổ chức phẫu thuật nụ cười Việt Nam, tại một số nước trên thế giới, tỷ lệ trẻ sinh ra bị tật sứt môi - hở hàm ếch là 1/1.000. Ở Việt Nam, trung bình cứ 500 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ bị khe hở môi, hàm ếch và dị tật hàm-mặt.
Theo các chuyên gia về y tế, sở dĩ tỷ lệ dị tật sứt môi-hở hàm ếch ở Việt Nam cao hơn mức trung bình của thế giới là do các điều kiện dẫn đến nguy cơ cao hơn, trong khi việc dự phòng lại không bằng các nước tiên tiến.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, khi mang bầu người mẹ nên hết sức chú ý đến vấn đề sức khỏe, nên thăm khám thường xuyên để tránh sinh ra những em bé bị dị tật bẩm sinh./.
Bác sỹ Hoàng Phong Mỹ, Khoa Phẫu thuật tạo hình-Hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam-Cuba cho hay, hiện bệnh viện đã có kế hoạch điều trị tổng thể cho tất cả các bé bị sứt môi, hở hàm ếch từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành (18 tuổi). Bệnh nhân sau khi phẫu thuật môi, vòm miệng sẽ được luyện phát âm, ghép xương ổ răng, chỉnh hình môi, mũi, điều trị tâm lý để hòa nhập cộng đồng. |