Tê liệt vì đình công

Hệ thống giao thông ở Hy Lạp bị tê liệt vì đình công

Cuộc đình công của các nhân viên ngành hàng hải, đường sắt phản đối chính phủ đã khiến toàn bộ hệ thống giao thông Hy Lạp tê liệt.
Giao thông đường biển Hy Lạp đã bị tê liệt hoàn toàn trong ngày 16/4 do cuộc đình công của các thủy thủ, công nhân bến tàu và nhân viên ngành hàng hải, nhằm phản đối những cải cách của chính phủ.

Cuộc bãi ông do Hiệp hội Hàng hải Hy Lạp tổ chức, đã làm tê liệt các dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách đến 227 đảo của nước này.

Giới công đoàn yêu cầu Quốc hội Hy Lạp hủy dự luật tái cơ cấu các ngành vì dẫn đến việc giảm lương và hạn chế phúc lợi xã hội.

Các thủy thủ cũng đòi tiền lương mà một số công ty tư nhân nợ họ.

Tiếp theo ngành hàng hải, nhân viên ngành đường sắt cũng tiến hành đình công vào đêm qua, phản đối kế hoạch tư nhân hóa ngành đường sắt của Chính phủ Hy Lạp và yêu cầu áp dụng ưu đãi đối với hành khách.

Cuộc đình công đã làm gián đoạn giao thông đường sắt và tàu điện, khiến hàng loạt chuyến tàu bị hủy, lịch tàu chạy và hành trình hoạt động của các chuyến tàu cũng bị sắp xếp lại.

Cuộc đình công này của ngành đường sắt dự kiến tiếp tục trong hai ngày 17 và 18/4.

Sau ngành hàng hải và đường sắt, nhân viên các ngành khác như bác sỹ giáo viên, trong ngày 17/4 cũng có kế hoạch đình công nhằm phản đối thỏa thuận của chính phủ với "bộ ba" nhà tài trợ quốc tế (gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Liên minh châu Âu) về kế hoạch cắt giảm 15.000 công chức đến cuối năm 2014 và 150.000 đến năm 2015.

Hy Lạp rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ từ năm 2010. Từ đó, nước này đã phải đàm phán với "bộ ba" chủ nợ về khoản cứu trợ lên đến hàng trăm tỷ euro để tránh bị phá sản.

Tuy nhiên, để nhận được tài trợ, Hy Lạp đã phải chấp nhận một chương trình kinh tế "thắt lưng buộc bụng", cắt giảm mạnh chi tiêu ngân sách dẫn đến việc sa thải hàng loạt nhân công trong nền kinh tế cũng như giảm phúc lợi xã hội.

Chính việc thực hiện chương trình này đã dẫn tới các cuộc biểu tình liên tiếp quy mô lớn của người lao động Hy Lạp để phản đối chính sách của Chính phủ, làm ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế xã hội của nước này cũng như dẫn tới cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn và bế tắc trong việc thành lập chính phủ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục