Hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra hoàn toàn do biến đổi khí hậu

Nhiệt độ toàn cầu tăng kỷ lục, đợt nóng cực độ tại châu Á và nước biển ấm bất thường ở Alaska là những hiện tượng phát sinh hoàn toàn từ tình trạng Trái Đất ấm lên do những hoạt động của con người.
Hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra hoàn toàn do biến đổi khí hậu ảnh 1Cảnh nắng nóng trên đường phố Los Angeles, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhiệt độ toàn cầu tăng kỷ lục, đợt nóng cực độ tại châu Á và nước biển ấm bất thường ở Alaska trong năm 2016 là những hiện tượng phát sinh hoàn toàn từ tình trạng Trái Đất ấm lên do những hoạt động của con người.

Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học thế giới xác định nếu không có tình trạng biến đổi khí hậu các hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy đã không xảy ra.

Kết luận trên được đưa ra trong báo cáo "Lý giải các hiện tượng cực đoan năm 2016 từ góc độ khí hậu," công bố ngày 13/12 tại cuộc họp hàng năm của Liên đoàn Địa vật lý Mỹ ở New Orleans.

Báo cáo tập hợp 27 bản phân tích các hiện tượng thời tiết cực đoan trên khắp năm châu lục và hai đại dương, trong đó 116 nhà khoa học đến từ 18 quốc gia đã tổng hợp các quan sát lịch sử và mô phỏng mô hình để xác định vai trò của biến đổi khí hậu trong hơn 20 hiện tượng thời tiết cực đoan. Báo cáo khẳng định hầu hết các hiện tượng cực đoan đều chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở một mức độ nào đó.

Từ trước đến nay, tình trạng biến đổi khí hậu do con người gớp phần gây ra đã được biết đến là nguyên nhân làm gia tăng các hiện tượng thiên tai như lũ lụt, hạn hán, bão, nắng nóng bất thường... tuy nhiên chưa bao giờ bị xem là nguyên nhân duy nhất.

Tổng biên tập tập san của Hội Khí tượng học Mỹ Jeff Rosenfeld nhận định: "Báo cáo này đánh dấu một sự thay đổi cơ bản." Ông nhấn mạnh: "Việc xác định rằng nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan đã không xảy ra nếu không chịu ảnh hưởng của con người cho thấy rõ rằng chúng ta đang trải nghiệm thời tiết mới vì chính chúng ta đã tạo ra khí hậu mới."

Báo cáo nêu ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như nhiệt độ kỷ lục năm 2016, theo đó, các nhà khoa học khẳng định nguyên nhân "chỉ có thể từ sự ấm lên do con người gây ra trong thời gian khoảng 100 năm qua."

[Infographics] Thay đổi khí hậu, lũ lụt ở châu Âu trong hơn 50 năm qua

Báo cáo cũng phân tích các đợt sốc nhiệt ở châu Á khiến 580 người thiệt mạng tại Ấn Độ trong thời gian từ tháng 3-5/2016 và khiến Thái Lan ghi nhận mức tiêu thụ điện kỷ lục khi người dân nước này đồng loạt tăng sử dụng máy điều hòa nhiệt độ. Tài liệu cũng loại trừ ảnh hưởng của hiện tượng El Nino - diễn ra từ 2015 đến hết nửa đầu 2016 - đối với đợt nóng cực độ tại châu Á, khẳng định rằng nếu không có biến đổi khí hậu thì đã không xảy ra đợt nóng này.

Đối với hiện tượng nhiệt độ nước biển tăng lên mức cao nhất trong 35 năm ở các vùng biển thuộc Vịnh Alaska, Bering, và phía Bắc Australia gây hại nghiêm trọng đối với vỉa san hô ngầm Great Barrier Reef cũng như đợt tảo nở hoa gây tác hại nhất ngoài khơi Alaska, báo cáo nhấn mạnh "hoàn toàn không có khả năng những hiện tượng bất thường này chỉ do sự biến thiên của tự nhiên."

Báo cáo dành một chương để phân tích hiện tượng ấm nóng tại vùng cận Bắc cực tháng 11-12/2016 và khẳng định không thể lý giải hiện tượng này mà không nói đến sự ấm lên của khí hậu do con người gây ra.

Ngoài ra, những đợt hạn hán bất ngờ ở miền Nam châu Phi đã tăng gấp 3 lần trong vòng 60 năm qua chủ yếu là do biến đổi khí hậu do con người gây ra. Tương tự, các đợt mưa lớn như đợt mưa tại Vũ Hán, Trung Quốc năm 2016 xuất hiện thường xuyên gấp 10 lần so với năm 1961.

Tuy nhiên, báo cáo này cũng nêu rõ không phải mọi hiện tượng thời tiết cực đoan đều bắt nguồn từ tình trạng biến đổi khí hậu. Theo đó, khoảng 20% hiện tượng cực đoan trong năm 2016 được nghiên cứu không liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra, bao gồm bão tuyết ở trung tâm Đại Tây Dương và hạn hán dẫn tới tình trạng thiếu nước ở Đông Bắc Brazil./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục