Hiệu quả triển khai mô hình tổng đài chăm sóc người bệnh tại Hà Nội

Trong năm 2021 tổng đài của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã thực hiện được 18.747 cuộc gọi tự động nhắc lịch hẹn bệnh nhân tới các phòng khám, triển khai nhắn tin cho đối tượng F0.
Hiệu quả triển khai mô hình tổng đài chăm sóc người bệnh tại Hà Nội ảnh 1Thăm khám, tư vấn sức khoẻ cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Một trong những mô hình hiệu quả được Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) thực hiện tốt trong năm qua đó là việc triển khai tổng đài chăm sóc hỗ trợ người bệnh.

Trong năm 2021 tổng đài đã thực hiện được 18.747 cuộc gọi tự động nhắc lịch hẹn bệnh nhân tới các phòng khám, triển khai nhắn tin cho đối tượng F0 toàn thành phố, tiếp nhận 12.480 cuộc gọi (tương đương 23.867 phút gọi) đặt lịch, tra cứu kết quả xét nghiệm, giải đáp các ý kiến thắc mắc của người bệnh.

Thông tin trên được Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đưa ra tại Hội nghị tổng kết hoạt động công tác xã hội diễn ra ngày 25/3.

[Sở Y tế Hà Nội: Thủ đô đã bước qua đỉnh dịch COVID-19]

Theo đó, tổng đài này đã giúp người bệnh giảm thiểu thời gian chờ đợi, đem lại lợi ích cho cả người bệnh và bác sỹ, giảm quá tải bệnh viện và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh chăm sóc bệnh nhân. Với nhiều tính năng mới được tích hợp, tổng đài đã giúp nhiều bệnh F0 điều trị tại nhà được hỗ trợ kịp thời.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết năm qua là một năm khó khăn, nhiều tháng liền Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chuyển sang chỉ tập trung điều trị bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện đã điều trị hơn 4.000 trường hợp mắc bệnh COVID-19 với hàng trăm bệnh nhân trong tình trạng nặng phải lọc máu, trong đó có 3.700 bệnh nhân đã khỏi bệnh và được ra viện.

Hiệu quả triển khai mô hình tổng đài chăm sóc người bệnh tại Hà Nội ảnh 2Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tặng quà  hỗ trợ cho các bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)(Ảnh: PV/Vietnam+)

Đến nay, tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, việc khám chữa bệnh thông thường đã dần trở lại. Trước đây, lúc cao điểm trước Tết Nguyên đán, bệnh viện hạng 1 luôn tiếp nhận, điều trị tới gần 500 ca COVID-19 thì nay chỉ còn 190 ca. Số F0 trong tình trạng nặng, nguy kịch lúc cao nhất khoảng 150 trường hợp nay chỉ còn dưới 50 ca.

Theo ông Thường, trong năm qua, với nhiều tháng chuyển đổi sang điều trị chủ yếu bệnh nhân COVID-19 bệnh viện đã gặp rất nhiều khó khăn nhưng luôn nhận được sự hỗ trợ đồng hành từ các tổ chức, nhà hảo tâm và của người dân tới đội ngũ nhân viên y tế và người bệnh. Đó là sự hỗ trợ về tiền mặt, thực phẩm, nhu yếu phẩm, dược phẩm cũng như các loại vật tư, trang thiết bị y tế. Toàn bộ các mặt hàng tài trợ này đã kịp thời gửi đến tận tay người bệnh và các cán bộ y tế trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch.

Đặc biệt, từ nguồn tài trợ đã nhận, Trung tâm Hồi sức tích cực ICU phòng chống COVID-19 của bệnh viện với quy mô 400 giường đã được thành lập. Trung tâm đã góp phần bảo vệ sức khỏe và nối dài sự sống cho hàng ngàn bệnh nhân thoát khỏi COVID-19.

Hiện nay, Khu vực điều trị COVID-19 của bệnh viện đã giảm “sức nóng,” bệnh viện có chủ trương và đang rút dần nhân viên y tế về tập trung điều trị các bệnh thông thường khác bởi lượng bệnh nhân nội trú tại các khu vực này đang tăng lên, từ 200 ca lên 350 ca/ngày.

Bệnh viện đang tập trung bảo vệ nhóm nguy cơ cao, phát hiện sớm dấu hiệu trở nặng để can thiệp kịp thời, vừa không để quá tải hệ thống y tế, vừa hạn chế số người bệnh tăng nặng và tử vong là mục tiêu và chiến lược của ngành y tế các địa phương và tiếp tục đẩy mạnh tổng đài chăm sóc hỗ trợ người bệnh tự động.

Trong đại dịch COVID-19, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang là một trong 5 bệnh viện thuộc tầng 3 của Hà Nội là chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm hỗ trợ chuyên môn cho 35 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến thành phố, tuyến huyện thuộc tầng 2. Nhóm 5 bệnh viện tầng 3 của Hà Nội chỉ tiếp nhận F0 có nguy cơ rất cao: có tình trạng cấp cứu; SpO2 dưới 90%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục