Với mục tiêu tạo ra bệ phóng, nơi ươm mầm cho những ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng và kết nối nguồn lực để giúp các doanh nghiệp trẻ có thể xây dựng nền tảng vững chắc phát triển hơn trong tương lai, Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia chính thức ra mắt Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp.
Tại Lễ ra mắt ngày 17/4, Tiến sỹ Đinh Việt Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia nhấn mạnh tinh thần khởi nghiệp đang phát triển một cách mạnh mẽ tại Việt Nam. Nhìn lại quá trình mười năm trước, nền kinh tế đón nhận trung bình mỗi năm khoảng 50.000-60.000 doanh nghiệp mới ra đời. Song sang đến năm 2023, con số này đã lên tới gần 200.000 doanh nghiệp mới được thành lập.
“Điều này cho thấy khát khao trưởng thành, phát triển của những người khởi nghiệp tại Việt Nam,” ông Hòa chia sẻ.
Thanh niên là then chốt thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo
Dám dấn thân, dám đối mặt với thách thức, thanh niên chính là lực lượng then chốt để phát triển và mở rộng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy thêm những "kỳ lân công nghệ" mới tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Hòa cũng cho biết Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ đóng vai trò là “cây cầu” gắn kết để Việt Nam có thêm nhiều doanh nghiệp và đồng hành cùng doanh nghiệp, các nhà sáng lập doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, vận hành sản xuất-kinh doanh hiệu quả.
"Đây là sứ mệnh quan trọng của Hiệp hội và cũng là lý do để Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp ra đời đồng hành cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua thách thức, phát triển bền vững trong tương lai," ông Hoà nhấn mạnh.
Giáo sư, tiến sỹ Đinh Xuân Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khởi nghiệp cho biết Viện có nhiệm vụ tổ chức này tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao để nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, từ đó tư vấn, thực hiện các dịch vụ khoa học- công nghệ và hợp tác quốc tế về khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp.
Tại sự kiện, Viện nghiên cứu Khởi nghiệp lần đầu tiên giới thiệu Báo cáo Khung chỉ số thúc đẩy Khởi nghiệp Quốc gia đồng thời công bố Đại hội Công nghiệp Dược liệu và Thẩm mỹ Quốc gia, lần thứ hai (National Aesthetic Industry Summit), tại Quảng Nam-năm 2024.
Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn An Thịnh, trưởng Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Khung chỉ số Khởi nghiệp Quốc gia có mục tiêu cung cấp “bức tranh” toàn cảnh về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Cụ thể, báo cáo xác định lợi thế so sánh của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới; Theo dõi và phân tích xu hướng phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam theo thời gian; Xác định những ngành, lĩnh vực khởi nghiệp tiềm năng và có khả năng phát triển mạnh trong tương lai.
Trên cơ sở đó, báo cáo góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của khởi nghiệp đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Mục đích khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ và thu hút sự tham gia của các bên liên quan vào hệ sinh thái khởi nghiệp đồng thời thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
“Thêm vào đó, báo cáo hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế, từ đó góp phần xây dựng nền kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo quốc gia,” ông Thịnh nói.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Techfest Quảng Nam 2024, từ 14/5 đến 18/5, Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia cũng cho biết sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, các bộ, Ban, ngành, các tổ chức, đơn vị trong nước và quốc tế tổ chức chuỗi các chương trình trong “Đại hội Công nghiệp Dược liệu và Thẩm mỹ Quốc gia, lần thứ hai (National Aesthetic Industry Summit) - Quảng Nam, năm 2024.
Ông Phạm Ngọc Sinh, Phó giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Nam chia sẻ: “Tiếp nối thành công Năm Khởi nghiệp - Quảng Nam, năm 2023, Tỉnh và Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia cùng các cơ quan, tổ chức quốc tế, Trung ương và địa phương tổ chức Tuần lễ Khởi nghiệp sáng tạo lần thứ 5- TechFest Quang Nam 2024 với quy mô quốc gia, hướng đến nền tảng sở hữu trí tuệ và chuyển đổi số, khuyến khích bảo vệ tài sản địa phương trong xu thế công nghệ phát triển mạnh mẽ.”
Bên cạnh đó, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam chia sẻ để phát triển sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia và định hướng đến năm 2045 trở thành thương hiệu quốc tế, Tỉnh đang tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với người dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu đồng thời đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh.
“Theo đó, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng đề án phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam,” ông Bửu nói.
Đánh giá về tiềm năng của ngành, ông Jang Hyo Kwan, Chủ tịch Hiệp hội Thẩm mỹ Y tế Hàn Quốc cho rằng Việt Nam cơ sở hạ tầng kinh doanh Spa và làm đẹp thuận tiện. Trong khi, Hàn quốc có những công nghệ tân tiến và nếu kết hợp công nghệ đó, cơ sở hạ tầng spa Việt Nam sẽ phát triển hơn từ sự hợp tác giữa hai bên. Hơn nữa, Việt Nam và Hàn quốc thì có nhiều điểm tương về văn hóa và thị hiếu.
“Tôi hy vọng sự hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh thành công và cùng mở rộng ra các thị trường châu Á, Ấn Độ, Châu Âu. Tôi chắc chắn rằng Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có môi trường kinh doanh tiềm năng nhất tại thị trường Đông Nam Á,” ông ông Jang Hyo Kwan nói./.