Hỗ trợ lao động tự do: Cần chính sách tiếp cận mang tính đại chúng

Do người lao động tự do không được ghi nhận trong các hệ thống quản lý chính thức nên việc triển khai các chính sách hỗ trợ nhóm lao động này rất phức tạp và mất nhiều thời gian để thực hiện.

Trong bối cảnh các thành phố, địa phương thực hiện tinh thần giãn cách “ai ở đâu, ở đấy” theo Công điện số 1063/CĐ-TTg ngày 31/7 của Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ lao động đang gặp khó khăn do COVID-19, đặc biệt là lao động tự do lại càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết và đòi hỏi cần có những cách tiếp cận hỗ trợ phù hợp tới tình hình thực tế. Bởi lẽ, hỗ trợ kịp thời cho người lao động là một trong những yếu tố đảm bảo để công tác phòng, chống dịch hiệu quả.

Vẫn chậm, bỏ sót đối tượng hỗ trợ

Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động phi chính thức trong lực lượng lao động ở mức cao. Số lao động có việc làm phi chính thức trong năm 2020 là 20,3 triệu người trong tổng số 48,8 triệu lao động trong độ tuổi lao động, thậm chí nếu tính cả lao động trong ngành nông nghiệp thì tỷ lệ này còn chiếm tới 71%. Điều này đã đặt ra một thách thức lớn khi thiết kế và thực hiện các gói hỗ trợ COVID-19 đối với nhóm lao động này.

Nghị quyết 68/NQ-CP quy định các tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế địa phương để ban hành chính sách hỗ trợ người lao động tự do nhằm tạo sự chủ động của chính quyền địa phương trong việc thực hiện hỗ trợ tùy theo tình hình thực tế, thế nhưng việc triển chính sách hỗ trợ lao động tự do vẫn còn chậm, dẫn đến bỏ sót đối tượng.

Nhiều người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi COVID-19, đặc biệt là lao động di cư không nhận được hỗ trợ vì quy định phải “cư trú hợp pháp” tức là phải thường trú, hoặc tạm trú được cơ quan công an xác nhận. Với đặc điểm của lao động di cư tự do thường xuyên thay đổi nơi làm việc, chỗ ở nên quy định này đã trở thành rào cản lớn đối với việc hỗ trợ nhóm đối tượng này, trong khi lực lượng lao động này ở các thành phố lớn là không nhỏ.

Trong 63 tỉnh và thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương chủ động nhất trong hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do COVID-19 khi đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ trước cả khi có Nghị quyết số 68. Nhờ có sự chủ động, đến ngày 24/7, chỉ sau hơn nửa tháng triển khai Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23, 100% lao động tự do (tương ứng với 284.465 người) tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được hỗ trợ, với số tiền 426 tỷ đồng.

[TP.HCM mở rộng hỗ trợ đối tượng lao động tự do gặp khó khăn]

Đặc biệt, ngoài 6 nhóm lao động tự do được hỗ trợ gồm bảo mẫu, thợ hồ, sửa xe, xe ôm công nghệ, bán báo dạo… Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu các các quận, huyện và thành phố Thủ Đức thống kê số lượng lao động tự do gặp khó khăn do COVID-19 sẽ để sở đề xuất Thành phố bổ sung hỗ trợ những lao động này từ nguồn Quỹ phòng chống dịch COVID-19.

Đáng lưu ý là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất những trường hợp lao động tự do chưa đăng ký tạm trú theo quy định cũng sẽ được hỗ trợ. Nhóm đối tượng này sẽ giao các quận huyện và thành phố Thủ Đức rà soát, hỗ trợ từ các nguồn vận động hợp pháp của cơ sở để chia sẻ khó khăn với người lao động.

Ông Lê Minh Tấn, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ quan điểm là không để người lao động khốn khổ, thiếu ăn. Dù việc hỗ trợ lao động tự do từ ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh hay từ nguồn vận động doanh nghiệp, quỹ vì người nghèo... thì đều có giá trị như nhau trong lúc này.

Trào quà cho lao động trong khu trọ có hoàn cảnh khó khăn tại quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, số lượng ca nhiễm liên tục tăng, các địa phương cũng ngày càng thắt chặt các biện pháp phòng, chống COVID-19. Cùng với các biện pháp giãn cách được tăng cường và kéo dài là sự khó khăn ngày càng lớn đối với những lao động tự do mất việc làm. Việc thành phố Hồ Chí Minh xem xét mở rộng thêm các đối tượng lao động tự do rất kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế. Thế nhưng, hiện nay trong 63 tỉnh, thành phố mới chỉ có duy nhất thành phố Hồ Chí Minh làm được điều này. Hỗ trợ lao động tự do vẫn còn là “bài toán khó” của các địa phương.

Ông André Gama, chuyên gia phụ trách chương trình về an sinh xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam chỉ ra rằng do nhiều người lao động không được ghi nhận trong các hệ thống dữ liệu chính thức, do đó các chương trình hướng tới một số nhóm lao động cụ thể có thể trở nên rất phức tạp, tốn kém và mất thời gian để có thể thực hiện được.

Cần cách tiếp cận đại chúng

Để kịp thời có thể hỗ trợ lao động tự do, ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc quốc gia tổ chức Oxfam tại Việt Nam đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố mở rộng hỗ trợ tất cả các nhóm việc làm khác nhau của người lao động tự do và dựa trên một tiêu chí duy nhất, đó là bị giảm hoặc mất việc làm do tác động của COVID-19, bỏ yêu cầu người dân chứng minh cư trú hợp pháp có đăng ký thường trú hoặc tạm trú khi đăng ký nhận hỗ trợ.

Trong các giải pháp hỗ trợ vượt qua khó khăn do COVID-19, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Liên hợp quốc cũng thường khuyến khích các biện pháp hỗ trợ có cách tiếp cận mang tính đại chúng, mặc dù các chương trình này thường tốn kém hơn cách tiếp cận mục tiêu.

Để có thể tăng tính khả thi của những chương trình hỗ trợ mang tính đại chúng của Việt Nam, ông André Gama cho rằng có thể tính đến phương án nằm ở giữa các chương trình dành cho toàn dân và các chương trình hướng tới các nhóm đối tượng hẹp. Chẳng hạn, các gói hỗ trợ COVID-19 có thể hướng tới các nhóm dân số cụ thể chịu tác động nặng nề của đại dịch (như một số tỉnh, thành hoặc các ngành kinh tế cụ thể), từ đó được áp dụng cho toàn bộ dân số trong các nhóm này.

Thành phố Hồ Chí Minh trao quà hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do COVID-19. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ông André Gama nhấn mạnh: “Khi chúng ta tìm cách vượt qua dòng lũ quét do đại dịch COVID-19 mang lại, điều quan trọng là chúng ta phải đứng vững được dựa trên chính các nguyên tắc đoàn kết đã tạo dựng nên xã hội. Trong quá trình đó, chúng ta nên chấp nhận phương án là sẽ hỗ trợ cả những người mà không cần giúp đỡ, hơn là rủi ro sẽ không hỗ trợ được những người đang rất cần được giúp.”

Theo ông André Gama, sẽ luôn tồn tại sự đánh đổi giữa đảm bảo công bằng khi triển khai hỗ trợ, tốc độ triển khai với không gian tài khóa cần cho mỗi gói hỗ trợ COVID-19 khác nhau. Trong quá trình này, cần luôn ghi nhớ rằng, biện pháp hỗ trợ tiền mặt cho người lao động có thể tạo ra những tác động tích cực trong ngắn hạn đối với nền kinh tế, như những gì trên thế giới đã cho thấy.

“Chúng tôi kêu gọi người dân Việt Nam không nên nhìn nhận các gói hỗ trợ kinh tế như Nghị quyết số 68-NQ/CP trên khía cạnh chi phí, mà nên coi đó chính là sự đầu tư là ‘chiếc cầu bắc qua dòng nước siết,’ giúp bình ổn nền kinh tế, giúp các gia đình không bị rơi vào nghèo khó, giúp đất nước hồi phục nhanh hơn và mạnh mẽ hơn từ cơn bão COVID-19 này,” ông André Gama nói.

Những người lao động di cư thương có thu nhập thấp, bấp bênh, phần lớn chưa thuộc nhóm hưởng chính sách an sinh xã hội do đặc thù tự do di cư từ tỉnh này sang tỉnh khác làm việc. Chính vì không được ghi nhận trong các hệ thống dữ liệu chính thức, việc hỗ trợ cho nhóm đối tượng lao động di cư tự do trong thực tế vẫn còn là một “khoảng trống” chính sách chưa được quy định trách nhiệm cụ thể.

“Đối với chính sách hỗ trợ nhóm lao động di cư tự do, tôi xuất Chính phủ hỗ trợ 100% từ ngân sách trung ương để tránh việc đùn đẩy trách nhiệm giữa tỉnh có lao động đi và tỉnh, thành phố có lao động đến,” ông Phạm Quang Tú kiến nghị./.

Tin cùng chuyên mục