Hồ trữ nước ngọt lớn nhất miền Tây cạn kiệt nguồn nước

Hồ trữ nước ngọt Kênh Lấp (đi qua xã Tân Xuân, Phước Ngãi) là hồ chứa nước ngọt nhân tạo lớn nhất khu vực miền Tây, dài gần 5km, rộng 40-100m.
Hồ trữ nước ngọt lớn nhất miền Tây cạn khô. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)
Hồ trữ nước ngọt lớn nhất miền Tây cạn khô. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN)

Ngày 28/4, ông Hồ Văn Thương, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cho biết, hiện nay nguồn nước tại hồ trữ nước ngọt Kênh Lấp, huyện Ba Tri đã cạn, nhiều nơi mặt đất đáy hồ khô nứt nẻ.

Theo ông Thương, do hạn mặn kéo dài (từ cuối năm 2019 đến nay) nguồn nước ngọt tại hồ Kênh Lấp được lấy để cấp cho người dân mà không có nguồn nước ngọt bổ sung, hồ trữ ngọt Kênh Lấp đến thời điểm này gần như cạn khô, chỉ còn một lượng nước ít.

Ông Thương cho hay, nhu cầu sử dụng nước ngọt hiện nay rất lớn, nhưng số lượng nước dự trữ không đủ cung cấp cho người dân. Hiện ngành chức năng đang tích cực vận động các mạnh thường quân hỗ trợ nước ngọt cho người dân tại huyện Ba Tri để vượt qua đợt hạn mặn khốc liệt này.

[Giải pháp về nguồn nước cho vùng khô hạn khắc nghiệt Ninh Thuận]

"Huyện Ba Tri đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ người dân Ba Tri hàng nghìn mét khối nước ngọt, hơn 5.000 dụng cụ chứa nước ngọt, khoan trên 100 giếng cùng 66 máy lọc nước mặn công cộng… để người dân có nước ngọt sử dụng. Về lâu dài, chúng tôi đang yêu cầu đơn vị quản lý tiếp tục rửa mặn cho hồ để phục vụ tốt hơn cho người dân vào mùa khô năm sau," ông Thương chia sẻ.

Theo Ủy ban Nhân dân huyện Ba Tri, hiện nay, toàn huyện có hơn 11.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt các nhà máy cấp nước trên địa bàn đều bị nhiễm mặn, người dân phải mua nước ngọt với giá cao để sử dụng. Bên cạnh đó, hơn 4.300ha lúa gieo sạ ngoài khuyến cáo đã bị thiệt hại do hạn mặn. Đàn bò, hơn 100.000 con cũng đang trong tình trạng thiếu nước trầm trọng. Ước tính thiệt hại do hạn mặn trên địa bàn huyện Ba Tri hơn 150 tỷ đồng.

Anh Trần Văn Thanh, xã Phước Ngãi cho biết, vào mùa khô gia đình phải mua nước ngọt từ 1-2 triệu đồng để sử dụng. Nhưng khi có hồ Kênh Lắp, đầu mùa khô năm nay anh Thanh không phải mua nước ngọt để phục vụ chăn nuôi và sinh hoạt của gia đình. Nhưng hiện nay nước hồ đã cạn khô, gia đình không thể bơm nước để sử dụng.

Do vậy gia đình phải mua thêm nước ngọt để cho bò uống, nước ngọt để ăn uống đi xin từ các điểm cho nước miễn phí trong xã. Anh Thanh hy vọng sang năm nước trữ được nhiều hơn, người dân đỡ lo hơn.

Đơn vị quản lý hồ đã đề xuất phương án nạo vét lòng hồ để gia tăng lượng nước trữ. Tuy nhiên, ngành chức năng vẫn đang cân nhắc, vì đất lòng hồ đã bị nhiễm mặn từ nhiều năm trước, nạo vét sẽ có thể tăng độ mặn nước, lẫn nguy cơ sạt lở bờ hồ.

Hồ trữ nước ngọt Kênh Lấp (đi qua xã Tân Xuân, Phước Ngãi) là hồ chứa nước ngọt nhân tạo lớn nhất khu vực miền Tây, dài gần 5km, rộng 40-100m, vốn là con kênh đào từ thời Pháp bị lấp hai đầu. Hồ có sức chứa gần một triệu m3 nước, phục vụ sinh hoạt cho khoảng 200.000 người tại 24 xã, thị trấn trên địa bàn. Dự án khởi công năm 2017, với tổng kinh phí khoảng 85 tỷ đồng, từ ngân sách Trung ương và địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục