Khu vực suối Tào, xóm Bao, xã Giáp Đắt, huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) là khu dân cư xen ghép với hơn 25 hộ dân, đa phần là những hộ phải di dời khỏi nơi ở cũ trong đợt lũ lịch sử năm 2017.
Những ngày cuối năm 2023, sau hơn 5 năm chuyển về nơi đây, cuộc sống của bà con vẫn bộn bề khó khăn khi hệ thống hạ tầng cơ bản của một “khu tái định cư” vẫn chưa được xây dựng, người dân vẫn đau đáu mong muốn về một cuộc sống an cư.
Người trẻ bỏ đi làm ăn xa
Đợt mưa lớn lịch sử tháng 10/2017 đã làm thiệt hại nhiều công trình, tài sản, tính mạng của người dân, trong đó có 25 hộ dân xã Giáp Đắt, huyện Đà Bắc (nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao), một số hộ bị đất đá sạt lở vùi lấp nhà cửa.
Chính quyền huyện Đà Bắc cùng nhân dân địa phương khẩn cấp di chuyển các hộ dân này lên khu xen ghép thuộc địa phận suối Tào, xóm Bao.
Về nơi ở mới, không còn nỗi lo sạt lở, tuy nhiên từ đó đến nay, khu vực di dân vẫn chưa được chính quyền địa phương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, nguyện vọng cho các hộ dân.
Cuộc sống của gần 25 hộ dân vì thế cứ lay lắt trong cảnh thiếu nước, thiếu điện, đường lầy lội bùn đất trơn trượt...
Thường ngày, không khí nơi đây lặng lẽ và hiu quạnh bởi sự thiếu vắng tiếng loa đài, tivi, tiếng vui đùa của trẻ nhỏ.
Bên những căn nhà tềnh toàng tối om không điện thắp sáng, những cụ già ngồi sưởi lửa cô đơn trước hiên nhà.
Người dân ở khu dân cư chia sẻ vì đường đất đi lại lầy lội khó khăn, không điện, không nước, bám trụ lại khu vực di dân chỉ toàn là người trung và cao tuổi, thanh niên thấy cuộc sống khó khăn quá nên đã đi làm ăn xa hết, trẻ nhỏ thì phải gửi xuống xóm dưới có điện, có đường để còn đi học.
Chúng tôi gặp gia đình bà Sa Thị Đầy, một trong những hộ bị nước lũ cuốn trôi nhà.
Trong tâm trí của bà Đầy vẫn còn ám ảnh bởi khoảnh khắc sạt lở kinh hoàng khi nước lũ đổ về, cuốn theo căn nhà của gia đình.
Được hàng xóm kịp thời thông báo và ứng cứu, bà Đầy đã ôm con cùng gia đình may mắn thoát khỏi cơn lũ dữ.
“Về nơi ở mới, gia đình không còn lo lắng về thiên tai, nhưng cuộc sống còn vất vả hơn nhiều. Điện, nước không có, đường xá khó khăn nên làm ăn kinh tế càng khó, con cháu đi học cũng vất vả. Rất mong chính quyền các cấp quan tâm, đầu tư để bà con chúng tôi được ổn định cuộc sống,” bà Đầy tâm sự.
Tương tự, chị Vì Thị Nhắm cùng gia đình chuyển vào đây đã hơn 5 năm nhưng đến nay cuộc sống vẫn còn khó khăn.
Chị Nhắm chia sẻ: "Điện thì mấy hộ tự mua dây về kéo và chung nhau một côngtơ. Vì khoảng cách quá xa, dây điện nhỏ nên chỉ đủ để thắp sáng thôi, không nấu được cơm hay sử dụng các thiết bị nào khác được. Nhà tôi ở gần suối, mùa mưa nước lũ về chảy ầm ầm ngay bên cạnh, vừa rồi gia đình phải kè lại chân móng nhà."
Cách nhà chị Nhắm chừng hơn 200m, gia đình ông Lường Văn Thành (70 tuổi) cũng chuyển vào sinh sống ở khu vực suối Tào đã lâu do chỗ ở cũ không an toàn mỗi khi mưa lũ.
Ông Thành cho biết: “Từ ngày gia đình tôi chuyển vào đây đã yên tâm hơn, không còn phải lo thiên tai, mưa bão. Nhưng gần chục năm nay, gia đình chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cuộc sống khó khăn hơn vì không có điện, nước để sinh hoạt, đường xá thì mùa mưa đi lại vất vả lắm.”
Đường đi vào khu đã khó, đường trong khu cũng khó khăn không kém, phía cuối khu xen ghép Suối Tào là hộ ông Lường Văn Pán và bà Hà Thị Èn sống gần như tách biệt bởi đường cao trơn trượt, không thể di chuyển bằng xe máy.
Cấp thiết ổn định cuộc sống cho người dân
Ông Xa Công Thức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Giáp Đắt, cho biết khu vực suối Tào trước đây là khu trang trại chăn nuôi, sản xuất của một số hộ dân.
Năm 2017, sau cơn lũ lịch sử, Ủy ban Nhân dân xã đã chọn khu vực này để di dời các hộ dân nằm trong khu vực bị ảnh hưởng và có nguy cơ sạt lở.
Tuy nhiên, đến nay khu dân cư này vẫn chưa được đầu tư xây dựng các hạ tầng thiết yếu.
Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng như chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền quan tâm, hỗ trợ để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Năm 2019, những đợt mưa bão tiếp tục đe dọa địa bàn xã Giáp Đắt với nhiều địa điểm mới có nguy cơ sạt lở cao tại các khu dân cư, hiện có thêm 15 hộ dân nằm trong diện cần phải di dời đến nơi ở mới.
Chính quyền xã dự kiến sẽ tiếp tục di chuyển các hộ dân lên khu xen ghép suối Tào, xóm Bao để sớm ổn định chỗ ở lâu dài.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đà Bắc Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, Ủy ban Nhân dân huyện Đà Bắc đã có Công văn số 2231/UBND-VP gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc rà soát, đề xuất dự án xin nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương bố trí ổn định dân cư cấp bách trong năm 2024 trên địa bàn huyện Đà Bắc.
Ủy ban Nhân dân huyện Đà Bắc đã đưa Dự án khu tái định cư suối Tào vào kế hoạch sử dụng đất năm 2023, trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình phê duyệt đề xuất xây dựng Dự án bố trí ổn định dân cư Suối Tào, xóm Bao, xã Giáp Đắt, với tổng mức đầu tư dự kiến 14,5 tỷ đồng.
Mục tiêu của Dự án nhằm xây dựng hạ tầng ổn định dân cư suối Tào xóm Bao phù hợp với quy hoạch điểm dân cư nông thôn tập trung, ổn định cuộc sống lâu dài, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội cho 25 hộ dân đã di chuyển từ năm 2017 và 15 hộ dân đang rất cần có nơi ở mới sau các đợt mưa bão từ năm 2019 đến nay trên địa bàn xã Giáp Đắt.
Cũng theo ông Tuấn, quy mô thực hiện Dự án gồm 4 hạng mục cơ bản: San nền diện tích khoảng 1ha hình thành cụm dân cư cho 15 hộ mới; làm mới 1,5km đường bêtông chính và đường nội bộ; xây dựng khoảng 2,5km đường dây hạ thế 0,4kW để cấp điện sinh hoạt cho các hộ dân; xây dựng hai bể lọc, đường ống HDPE các loại để cung cấp nước sinh hoạt cho khu dân cư và hệ thống xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường để người dân suối Tào sớm ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế./.