Hoa Kỳ giúp duy trì bền vững hoạt động phòng, chống HIV

Đã có hơn 280.000 người dân Việt Nam được cung cấp các dịch vụ xét nghiệm HIV và có thêm 15.000 người lớn và trẻ em được tham gia điều trị thuốc kháng virus nhờ dự án của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ giúp duy trì bền vững hoạt động phòng, chống HIV ảnh 1Nhân viên y tế tư vấn điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Đã có hơn 280.000 người dân Việt Nam được cung cấp các dịch vụ xét nghiệm HIV và có thêm 15.000 người lớn và trẻ em được tham gia điều trị thuốc kháng virus.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo tổng kết dự án Quản lý bền vững hoạt động phòng chống HIV và chuyển sang hỗ trợ kỹ thuật, diễn ra ngày 14/12, tại Hà Nội.

Theo đó, các đối tượng trên được hỗ trợ nhờ Dự án Quản lý bền vững hoạt động phòng chống HIV và chuyển sang hỗ trợ kỹ thuật (SMART TA) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) với tài trợ từ Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Phòng chống AIDS (PEPFAR).

Được thực hiện trong 5 năm kể từ năm 2011, dự án SMART TA đã xây dựng và triển khai các mô hình sáng tạo giúp giải quyết những khoảng trống trong công tác dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV đồng thời giúp cải thiện hiệu quả của các dịch vụ này.

Riêng trong năm hoạt động cuối cùng, dự án SMART TA đã cung cấp dịch vụ điều trị cho trên 23.000 người chung sống với HIV và điều trị thay thế bằng methadone cho gần 19.000 người tiêm chích ma túy, tương đương trên 20% số bệnh nhân HIV và bệnh nhân điều trị thay thế bằng methadone tại Việt Nam.

Giám đốc USAID Việt Nam Michael Greene nhấn mạnh, những năm gần đây, Việt Nam đã đạt những kết quả to lớn trong công tác phòng, chống HIV quốc gia trong bối cảnh hoạt động phòng, chống HIV đang ngày càng phụ thuộc vào các nguồn lực trong nước như bảo hiểm y tế, đồng thời nguồn ngân sách của quốc gia và của tỉnh trở thành nguồn lực hỗ trợ then chốt.

Trong bối cảnh Việt Nam đang đảm nhận vai trò dẫn dắt lớn hơn đối với chương trình phòng, chống HIV, dự án SMART TA đã giúp lồng ghép các dịch vụ HIV vào hệ thống điều trị y tế để các cơ sở điều trị được bảo hiểm y tế chi trả. Bệnh nhân HIV tại hai tỉnh Điện Biên và Nghệ An là những bệnh nhân đầu tiên trên cả nước được bảo hiểm y tế chi trả cho các dịch vụ HIV nhờ sự hợp tác chặt chẽ của dự án với các đối tác trong nước cũng như hỗ trợ của dự án dành cho các đối tác này.

Dự án SMART TA do tổ chức FHI 360 thực hiện phối hợp với Cục Phòng chống AIDS cũng đóng góp cho công tác xây dựng chính sách và chương trình quốc gia liên quan đến mọi mặt của công tác phòng, chống HIV, từ xét nghiệm và điều trị đến điều trị lao và điều trị thay thế bằng methadone, giúp thay đổi cách thức cung cấp các dịch vụ HIV tại Việt Nam.

Bộ công cụ Giám sát Kỹ thuật SMART do dự án xây dựng đang được sử dụng thường xuyên để đánh giá và củng cố các dịch vụ HIV.

Các mô hình dịch vụ điều trị thay thế bằng methadone và mô hình tư vấn viên tại cộng đồng do dự án SMART TA xây dựng hiện nay là phương thức chủ yếu để cung cấp và duy trì dịch vụ điều trị thay thế bằng methadone hiệu quả và có chất lượng cao.

Hoạt động của dự án giúp tích hợp các hệ thống thông tin y tế về HIV của các cơ sở y tế với bảo hiểm y tế được coi là một thực hành tốt nhất và đang được nhân rộng ở Việt Nam cũng như các nước khác.

Từ năm 2005, Chính phủ Hoa Kỳ thông qua chương trình PEPFAR đã hỗ trợ điều trị bằng thuốc kháng virus giúp kéo dài cuộc sống cho gần 57.000 người, chăm sóc hơn 62.000 người lớn và trẻ em trên cả nước.

Chỉ tính tiêng trong năm vừa qua, các hoạt động do PEPFAR hỗ trợ đã cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV cho hơn 375.000 người và điều trị thay thế bằng methadone cho 25.000 người./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục