Hồi chuông báo động với thế hệ trẻ khi sử dụng thuốc lá điện tử

H. ngộ độc thuốc lá điện tử với những biểu hiện: luôn trong tình trạng bị mất ngủ nhiều đêm, xuất hiện ảo giác có người lạ bên cạnh mình, hoang tưởng, lo lắng, bồn chồn...
Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên khám, theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân N.H.Đ, 17 tuổi (ở Phú Thọ). (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên khám, theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân N.H.Đ, 17 tuổi (ở Phú Thọ). (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Trong phòng bệnh tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh nhân N.H.Đ, 17 tuổi (ở Phú Thọ) nhập viện điều trị với biểu hiện luôn xuất hiện ảo giác có người lạ bên cạnh mình, hoang tưởng, lo lắng, bồn chồn, người chậm chạp và có nhiều hành động bất thường như không kiểm soát được hành động.

Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết khi vào viện điều trị, Đ. không giao tiếp với ai, nằm co cụm trên chiếc giường bệnh với những triệu chứng kích thích do hậu quả bị ngộ độc ma túy có trong tinh dầu của loại thuốc lá thế hệ mới, thường được gọi chung với tên thuốc lá điện tử.

Thuốc lá thế hệ mới - nguồn cơn của chứng hoang tưởng

Phải nghỉ làm gần một tuần để theo con vào bệnh viện điều trị, chị N.H.H (mẹ của N.H.Đ) cho hay thời gian qua chị đứng ngồi không yên. Nhìn đứa con trai vốn phát triển bình thường vậy mà giờ đây trong cảnh sợ giao tiếp, luôn xuất hiện cảm giác hoang tưởng sợ hãi, người mẹ xót xa vô hạn.

Điều chị H. bất ngờ nhất là không biết được con mình hút thuốc lá điện tử và không nghĩ tác hại của loại thuốc này khủng khiếp đến như vậy.

[Tuyên Quang: Khởi tố 2 đối tượng mua bán thuốc lá thế hệ mới chứa ma túy]

Theo lời chị, Đ. ngộ độc thuốc lá điện tử với những biểu hiện như gần đây luôn trong tình trạng bị mất ngủ nhiều đêm, xuất hiện ảo giác... Ban đầu chị nghĩ con căng thẳng do áp lực học hay chuyện gì đó, tuy nhiên khi bệnh con càng nặng, qua hỏi mới biết con nhớ và thèm thuốc lá điện tử.

Khi đã tỉnh táo sau hơn 1 tuần điều trị ở viện và tâm lý đã trở lại bình thường, giao tiếp được với mọi người, Đ. tâm sự không chỉ riêng em mà một số bạn cùng lớp cũng rủ nhau hút loại thuốc lá điện tử này và mua ở trên mạng.

Hồi chuông báo động với thế hệ trẻ khi sử dụng thuốc lá điện tử ảnh 1Loại thuốc lá điện tử bệnh nhân N.H.Đ, 17 tuổi (ở Phú Thọ) bị ngộ độc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chị N.H.H cho hay trước đây, chị nghĩ ảnh hưởng của thuốc lá điện tử là khá xa vời. Tuy nhiên, từ khi xảy ra vụ việc của con trai, chị đã giật mình nhận ra những nguy cơ từ các sản phẩm này là rất hiện hữu.

“Tôi nghĩ rằng nên cảnh báo với mọi người để các bậc phụ huynh và học sinh hiểu về vấn đề này. Do thuốc lá điện tử hiện nay được ‘đội lốt’ dưới rất nhiều vỏ bọc khác nhau nên tôi nghĩ chỉ có cách tìm hiểu kỹ về nó mới có thể giúp con nhạy cảm hơn, dễ nhận diện hơn nếu tiếp xúc hay bị bạn bè lôi kéo,” chị H. chia sẻ.

Hiện nay, trào lưu thuốc lá điện tử xâm nhập học đường và gây ra nhiều hệ lụy đáng lo ngại. Trong số đó có một số trường hợp nguy kịch, cận kề cái chết.

Theo Bộ Y tế, trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đã xuất hiện rộng khắp trên toàn thế giới.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay các hoạt động nhập lậu, mua bán, kinh doanh các sản phẩm này đang diễn ra dưới nhiều hình thức đa dạng. Sản phẩm thuốc lá thế hệ mới được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay… và được đưa được tới tay người tiêu dùng qua các kênh không chính thức và được quảng bá, bán hàng tràn lan trên các trang mạng xã hội.

Các sản phẩm này thu hút giới trẻ thông qua hương vị hấp dẫn, thiết kế sản phẩm bắt mắt, thời trang, mang đậm phong cách công nghệ. Trong những năm gần đây, công tác phòng cống tác hại thuốc lá ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp, thuốc lá được bày bán khắp nơi, giá rẻ, người dùng có thể tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá dễ dàng.

Vì vậy, thanh, thiếu niên, giới trẻ không hút thuốc lá thường vẫn thử và thường bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá này.

Hồi chuông báo động với thế hệ trẻ khi sử dụng thuốc lá điện tử ảnh 2Khói thuốc của một loại thuốc lá điện tử. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài ra, thuốc lá thế hệ mới còn được thiết kế bắt mắt, thậm chí khó nhận diện như là thiết kế đồ dùng học tập khiến cho học sinh, sinh viên cảm thấy quen thuộc và mất cảnh giác với sự độc hại của sản phẩm. Chính điều này khiến cho giáo viên và cha mẹ khó phát hiện việc con mình sử dụng loại thuốc lá này để kịp thời ngăn chặn. Do đó, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng nhanh hơn so với tỷ lệ thuốc lá điếu thông thường.

Cần khẩn cấp bảo vệ thế hệ trẻ

Tại Việt Nam, trong ba năm trở lại đây, số lượng người sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng gia tăng.

Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh năm 2020 của Bộ Y tế, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), đặc biệt tập trung cao ở nhóm tuổi 15-24 tuổi với tỉ lệ là 7,3% so với các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%).

Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%; năm 2022, tình hình sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 13-15 là 3,5%.

Có thể thấy chỉ sau 3 năm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể. Điều này cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ.

Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên cho hay tại Trung tâm liên tiếp thanh niên, học sinh nhập viện do thuốc lá điện tử là hồi chuông báo động sự nguy hiểm của loại sản phẩm này với người dùng, nhất là thế hệ trẻ.

Theo bác sỹ Nguyên, từ đầu năm 2023 đến nay, kết quả xét nghiệm các mẫu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân bị ngộ độc có mang đến Trung tâm Chống độc trong quá trình cấp cứu, điều trị đã phát hiện tới 13 mẫu có thành phần ma tuý, chất cần sa tổng hợp, trong đó có những loại ma tuý thế hệ mới.

Hồi chuông báo động với thế hệ trẻ khi sử dụng thuốc lá điện tử ảnh 3Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

“Việc sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện ở học đường hiện nay đang là hiện tượng đáng báo động. Nhất là trong thời gian gần đây, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng phổ biến ở trường học, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, lối sống, hành vi của học sinh tuổi vị thành niên,” bác sỹ Nguyên khẳng định.

Nhấn mạnh thuốc lá điện tử “hoàn toàn có hại sức khỏe” và là tác nhân mở đầu xu hướng lạm dụng, nghiện, phơi nhiễm các hóa chất tổng hợp của con người không thể kiểm soát dẫn đến loạt bệnh tật mới và làm nặng thêm vấn đề thuốc lá thường, làm phức tạp và nặng thêm vấn đề ma túy, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên kêu gọi: “Cần khẩn cấp cấm lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam”.

Hiện tại các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán tại Việt Nam.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo duy trì và tăng cường các quy định luật pháp hiện tại về cấm nhập khẩu và buôn bán thuốc lá thế hệ mới  để ngăn chặn, hạn chế tiếp cận nhằm ngăn ngừa sự gia tăng tỷ lệ sử dụng trong giới trẻ./.

Để ngăn chặn, hạn chế, truyền thông để thuốc lá thế hệ mới, nhiều trường học đã có những quy định cụ thể.

Mới đây, Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình, Hà Nội) đã thông tin tới học sinh và phụ huynh về triển khai những việc cần làm ngay trước các chiêu thức lừa đảo tinh vi đe dọa an ninh trường học. Theo đó, nhà trường yêu cầu các học sinh tuân thủ các quy định đã cam kết, không la cà trước và sau giờ học, tuyệt đối không tương tác với người lạ, không cho mượn đồ như tiền, xe đạp để bị kẻ xấu lừa; không hút hoặc mua bán thuốc lá điện tử.

Tại huyện Thanh Trì (Hà Nội), Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phạm Văn Ngát cho hay ngay từ tháng 1/2023, phòng đã chỉ đạo các trường tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật phòng chống ma túy, trong đó có trọng tâm tuyên truyền tác hại của ma túy, các chất ma túy mới, thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu, các sản phẩm thực phẩm (bánh, kẹo, nước hoa quả…) dễ bị tẩm chất ma túy gây độc hại.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục