Hội CTĐ khẳng định vai trò nòng cốt trong phòng ngừa thảm họa

Không chỉ ứng cứu, cứu trợ khẩn cấp người dân khi xảy ra thiên tai, Hội CTĐ Việt Nam còn luôn chú trọng khám chữa bệnh, hỗ trợ sinh kế giúp người dân vùng thiên tai sớm ổn định cuộc sống
Hội CTĐ khẳng định vai trò nòng cốt trong phòng ngừa thảm họa ảnh 1​Hỗ trợ nước sạch cho bà con vùng lũ. (Nguồn: Hội CTĐ Việt Nam)

Những năm qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn giữ vai trò nòng cốt trong các phong trào nhân đạo từ thiện, nhất là trong việc trợ giúp người dân vượt qua thiên tai, bão lũ.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội (23/11/1946-23/11/2016), phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, tiến sỹ Nguyễn Thị Xuân Thu, về những nỗ lực của Hội trong ứng phó với thiên tai trong bối cảnh đất nước đang ngày càng chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu.

- 70 năm hình thành, phát triển, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, Chủ tịch có thể chia sẻ niềm vui đó với người dân cả nước nhân dịp Hội kỷ niệm 70 năm ngày thành lập?

Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu: Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ có những chuyển biến tích cực, nhiều khởi sắc; vị trí, vai trò của Hội từng bước được khẳng định.

Đến hết năm 2015, toàn Hội có hơn 8,3 triệu cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên chữ thập đỏ hoạt động tại hơn 16.000 tổ chức Hội cơ sở. Riêng năm 2015, trị giá hoạt động toàn Hội đạt trên 3.009 tỷ đồng (tăng hơn 70 tỷ đồng so với năm 2014). Hội đã trợ giúp hơn 17 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn.

Một số phong trào, cuộc vận động, mô hình do Hội phát động, triển khai đã và đang lan tỏa, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng, như Dự án "Ngân hàng bò," Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo," Chương trình "Khám, chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng," Phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam," vận động hiến máu tình nguyện, tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa...

Dịp này, Hội có rất nhiều hoạt động giới thiệu về thành tựu trong 70 năm hình thành và phát triển. Đặc biệt trong công tác truyền thông, Hội đã xây dựng các phóng sự về 70 năm, tổ chức cuộc thi "Sáng mãi những tấm lòng nhân đạo."

Ngoài lễ míttinh được tổ chức tại Hà Nội, các hoạt động chủ yếu hướng về cơ sở như xây dựng công trình nhân đạo, tặng bò, tặng Nhà chữ thập đỏ cho hộ nghèo.

Công trình ý nghĩa nhất dịp này có lẽ là xây dựng 70 căn nhà cho các hộ đặc biệt khó khăn ở xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang và cấp cho mỗi hộ một con bò cùng một bể nước.

Hội cũng hỗ trợ Hà Giang trong việc tạo ra một vùng dân cư, tổ chức hoạt động nhân đạo tập trung; xây dựng một trường tiểu học ở Gia Lai; lập kế hoạch xây dựng một trường mầm non ở huyện đảo Lý Sơn; sắp tới sẽ tổ chức cuộc thi ảnh về giới.

Bên cạnh đó, Hội cũng phát động các cuộc thi đua hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập; tuyên dương các gương điển hình trong phong trào chữ thập đỏ; tặng Bằng khen và trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp nhân đạo cho những tập thể, cá nhân có đóng góp nhiều trong hoạt động nhân đạo.

Tại các địa phương cũng trao Kỷ niệm chương, Bằng tấm lòng vàng cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tích cực đồng hành với Hội.


- Dấu ấn của Hội trong hoạt động phòng ngừa thiên tai, thảm họa những năm gần đây là gì, thưa Chủ tịch?

Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu: Có thể khẳng định rằng trong hoạt động phòng, ngừa thiên tai, thảm họa, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng các cấp hội địa phương để lại nhiều dấu ấn.

Điển hình là, trong dịp hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ở miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long, ngay khi các tỉnh có thông báo về tình trạng thiên tai, Hội đã tổ chức Lễ phát động trên toàn quốc để chung tay, góp sức cùng đồng bào khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn.

Khi tình trạng hạn hán ở quy mô rộng, nghiêm trọng hơn, Hội đã ra lời kêu gọi quốc tế và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các Hội quốc gia, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân, trong đó có Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF)....

Trong một thời gian rất ngắn từ khi phát động (tháng 3-9/2016), Hội đã vận động được trên 100 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động ứng cứu hạn hán, xâm nhập mặn.

Đáng chú ý là trong số 21 tỉnh công bố tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, Hội đã triển khai hoạt động hỗ trợ tại 15 tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau...

Tại các tỉnh này, Hội đã cấp nước sinh hoạt, viên khử khuẩn Aquatabs, gạo, lương thực và tiền mặt để người dân có thể ứng phó được trong giai đoạn khẩn cấp.

Sau đó, những hoạt động dài hơi hơn để hỗ trợ sinh kế cũng đã được thực hiện, như cấp các bồn chứa nước cho trên 5.000 hộ dân; cấp máy lọc nước từ nước lợ sang nước ngọt để người dân có thể chủ động hơn khi hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục xảy ra.

Tại miền Trung khi sự cố Formosa xảy ra, Hội đã tiến hành các hoạt động hỗ trợ như khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho người dân 4 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Đã có khoảng 4.000 người được hưởng lợi từ những hoạt động này.

Trong đợt lũ lụt nghiêm trọng tháng 10, 11 tại miền Trung, Hội đã cử các đoàn công tác trực tiếp phối hợp với các tỉnh tổ chức cấp phát hàng cứu trợ, hỗ trợ người dân di chuyển, sửa chữa nhà cửa.

Hội đang tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ sinh kế tại đây như cấp bò, cấp tiền để người dân sửa chữa nhà cửa. Đặc biệt, Hội đang lập kế hoạch xây dựng dự án do UNICEF tài trợ hỗ trợ nước ngọt và xây dựng nhà chống lũ, xây dựng cộng đồng an toàn ở vùng lũ.

- Trong tình hình đất nước đang ngày càng hứng chịu nhiều thiên tai, thảm họa như hiện nay, Hội đã có biện pháp gì để nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thưa Chủ tịch?

Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có truyền thống 70 xây dựng, phát triển, trong đó các hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa, thiên tai được tham gia, thực hiện từ rất nhiều năm.

Hội có quy chế cho các hoạt động hỗ trợ, cứu trợ và tổ chức hoạt động bài bản, chuyên nghiệp. Khi thiên tai, bão lũ xảy ra, các đội ứng phó khẩn cấp cấp quốc gia thường được kích hoạt song song với việc triển khai các hoạt động tại cấp tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Hội phối hợp với các lực lượng thực hiện 4 tại chỗ trong công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa.

Mặt khác, Hội Chữ thập đỏ có tổ chức đội ứng phó khẩn cấp chuyên nghiệp; các tình nguyện viên Chữ thập đỏ cũng tham gia hoạt động ứng phó khẩn cấp. Lực lượng này (mang màu áo đỏ) làm nhiệm vụ di chuyển người dân khỏi vùng thiên tai, sơ cấp cứu tại chỗ, tổ chức hoạt động hỗ trợ lương thực, thực phẩm và nước uống cho người dân.

Đặc biệt, Hội còn có kho hàng phân bố ở các khu vực, khi thiên tai, bão lũ xảy ra hàng cứu trợ luôn sẵn sàng và được chuyển tới người dân một cách nhanh nhất.

Là tổ chức được tham gia, phối hợp nhiều với các tổ chức quốc tế nên hoạt động hỗ trợ, phòng ngừa thiên tai, thảm họa được thực hiện chuyên nghiệp, bài bản; được chia làm nhiều cấp độ: Khẩn cấp, phục hồi và tái thiết.

Ở giai đoạn phục hồi và tái thiết lại có những hoạt động mang tính dài hơi hơn như hỗ trợ sinh kế, sức khỏe, bảo vệ môi trường và các hoạt động giúp ổn định cuộc sống sau thiên tai.

- Thảm họa do thiên tai, nhân tai và dịch bệnh đang gia tăng từng ngày, nhu cầu viện trợ nhân đạo đã vượt quá tài nguyên hiện có của nhân loại, trong khi đó Việt Nam là một trong 5 quốc gia ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Xin Chủ tịch cho biết, Hội sẽ có những kế hoạch gì để ứng phó với biến chuyển khó lường của thiên tai, biến đổi khí hậu và việc triển khai ở các địa phương như thế nào?

Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn sẵn sàng trong hỗ trợ, ứng phó các tình huống thiên tai, thảm họa. Thời gian tới, Hội vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động phục hồi, tái thiết sau thiên tai; đồng thời tổ chức tập huấn, diễn tập về tình huống ứng phó thiên tai tại địa phương để người dân có thể nâng cao năng lực ứng phó tại chỗ.

Hội tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành phố nhân rộng mô hình phòng chống thiên tai của Phương Mỹ (Hà Tĩnh); xây dựng kịch bản, định hướng hoạt động phòng, chống thiên tai.

Ngoài ra, Hội sẽ vận động các nguồn lực từ các Hội quốc gia để xây dựng chương trình, dự án hỗ trợ một số tỉnh ở địa bàn thường xảy ra thiên tai, bão lũ xây dựng nhà, chòi chống lũ, cung cấp phương tiện để người dân có thể ứng cứu kịp thời (như xuồng, phao cứu sinh); tổ chức các hoạt động hỗ trợ người dân trong chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường.

Các hoạt động tuyên truyền cũng sẽ được triển khai thường xuyên tại địa phương nhờ sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, nhất là chi hội chữ thập đỏ cơ sở để người dân nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai.

Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ tích cực, chủ động vận động nguồn lực, chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa ở các kho hàng; tăng cường vận động quỹ phòng chống thiên tai để khi khiên tai xảy ra có thể kịp thời hỗ trợ, ứng cứu cho người dân.

- Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục