Hội nghị Copenhagen: Hé mở hy vọng phút chót

Tổng thống Obama bất ngờ có cuộc gặp ngoài dự kiến với các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Brazil và nguyên thủ quốc gia các nước.
Ngay sau khi đến Copenhagen dự phiên họp cuối cùng Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 18/12 bất ngờ có cuộc gặp ngoài dự kiến với các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Brazil và nguyên thủ quốc gia các nước có ảnh hưởng khác trong lĩnh vực này.

Cuộc gặp nhằm tìm kiếm những thỏa thuận về các biện pháp ngăn chặn tình trạng Trái Đất ấm lên.

Động thái của người đứng đầu chính quyền Mỹ đã làm lóe lên hy vọng đạt được thỏa thuận mới về chống biến đổi khí hậu vào phút chót của hội nghị.

Theo hãng tin Reuters, thỏa thuận dự thảo đạt được sau các phiên đàm phán đêm 17/12 đã giải quyết được vấn đề mấu chốt của hội nghị là số tiền tài trợ dài hạn giúp các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu (100 tỷ USD/năm đến năm 2020) và hạn mức gia tăng nhiệt độ Trái Đất (không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp).

Tuy nhiên, bất đồng sâu sắc vẫn tồn tại xung quanh vấn đề trọng tâm là thời điểm và hạn mức cắt giảm khí thải đối với các nước công nghiệp.

Một nhà đàm phán thuộc nhóm nước đang phát triển cho biết các nước giàu đề xuất cắt giảm 80% lượng khí thải điôxít cácbon (CO2) gây hiệu ứng nhà kính của những nước này vào năm 2050, trong khi các nước đang phát triển đòi các nước giàu đưa ra mục tiêu trung hạn chứ không phải dài hạn.

Bất đồng về kiểm chứng cam kết cắt giảm khí thải tình nguyện của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ cũng chưa được giải quyết.

Mọi sự chú ý của dư luận giờ đây tập trung vào cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bên lề Hội nghị Copenhagn.

Hai nước này hiện có lượng khí phát thải CO2 lớn nhất thế giới và những tranh cãi về kiểm chứng cam kết cắt giảm khí thải của hai nước là nguyên nhân gây bế tắc trong các cuộc đàm phán đầu tuần này.

Báo Người bảo vệ của Anh ngày 18/12 đăng tài liệu phân tích mật của Ban Thư Ký Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu cho thấy với những cam kết về cắt giảm khí thải mà các nước phát triển và mới nổi đưa ra tại Hội nghị Copenhagen thì nhiệt độ Trái Đất có thể tăng thêm 3 độ C vào cuối thế kỷ này.

Như vậy, sẽ có thêm hàng trăm triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng thiên tai do nước biển dâng cao, công tác bảo vệ người dân ở các vùng duyên hải, đặc biệt là Việt Nam, Bangladesh và các quốc đảo nhỏ, sẽ rất khó khăn và nguy hiểm.

Nhiệt độ tăng cũng sẽ khiến rừng Amazon bị xóa sổ, các dải san hô bị thu hẹp và khan hiếm nước là không thể tránh khỏi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục