Hội nhập kinh tế Đông Á và những bước tiến mới

Gần đây, hợp tác Đông Á ASEAN+3 trở nên sống động và thực chất hơn với sự tham gia của các đối tác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Đối với Việt Nam, Đông Á là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất với kim ngạch xuất khẩu gần 30 tỷ USD, tương đương 48% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Quá trình hội nhập kinh tế Đông Á bắt đầu từ năm 1997 tại Hội nghị cấp cao không chính thức lần đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc (ASEAN+3), với mục tiêu chính là tăng cường đối thoại, thúc đẩy hợp tác trên nhiều cấp độ, nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.

Cơ chế Đông Á ASEAN+3 đã thể hiện vai trò nổi bật trong việc triển khai Sáng kiến Chiang Mai, thiết lập Quỹ dự trữ ngoại hối chung trị giá 120 tỷ USD để giúp các nước đối phó với tình trạng mất cân đối tạm thời về ngoại tệ. Đây là một trong những chương trình hợp tác có hiệu quả cao, góp phần củng cố niềm tin của các nhà đầu tư ASEAN.

Trong thời gian gần đây, hợp tác ASEAN+3 trở nên sống động và thực chất hơn với sự tham gia tích cực của các đối tác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Sau khi ASEAN hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do (FTA) với Trung Quốc (2005), Hàn Quốc (2006) và Nhật Bản (2008), hợp tác ASEAN+3 đã có đủ điều kiện để chuyển sang một giai đoạn hợp tác mới, sâu hơn, trong đó có việc kiến tạo một FTA chung cho cả khu vực ASEAN+3.

Bên cạnh tiến trình ASEAN+3, đã xuất hiện một sáng kiến hợp tác mới, mang tính mở là cơ chế hợp tác Đông Á "mở rộng" hay ASEAN+6, được hình thành trên ý tưởng mở rộng ASEAN+3 có thêm Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Khu vực Đông Á "mở rộng" này bao gồm những nền kinh tế năng động, có tốc độc tăng trưởng cao, chiếm trên 50% dân số và gần 30% GDP của thế giới.

Thực tế hiện nay vẫn tồn tại cùng lúc hai cơ chế Đông Á (ASEAN+3 và ASEAN+6) cho thấy sự cạnh tranh về mặt ý tưởng giữa các nước đối tác của ASEAN, việc lựa chọn tiến trình nào sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định xu thế và cấu trúc hợp tác kinh tế tại khu vực Đông Á.

Tuy nhiên, có thể thấy dù là Đông Á hay Đông Á "mở rộng", ASEAN vẫn luôn là điểm giao thoa, giúp ASEAN phát huy và củng cố "vai trò trung tâm" của mình trong việc định hướng, dẫn dắt các tiến trình hợp chung.

Đối với Việt Nam, Đông Á là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất với kim ngạch xuất khẩu gần 30 tỷ USD, tương đương 48% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đông Á cũng là nguồn cung cấp chính đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho Việt Nam.

Đến hết tháng 11/2009, FDI của các nước Đông Á vào Việt Nam đạt 88 tỷ USD vốn đăng ký và 26 tỷ USD vốn thực hiện, chiếm lần lượt 53% và 47% tổng vốn đăng ký và thực hiện của Việt Nam. Đây là nguồn tài trợ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong những năm qua và trong thời gian tới đây.

Nghiên cứu dự báo tác động của hội nhập kinh tế Đông Á cho thấy lợi ích dài hạn đối với Việt Nam là khả quan. Các tính toán kinh tế cho thấy Việt Nam là nước có nhiều cơ hội hưởng lợi khi thị trường khu vực được mở rộng.

Theo kịch bản nghiên cứu về tác động của EAFTA và CEPEA, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm tương ứng 1,6% và 1,61%. Đây là mức tăng trưởng khả quan nhất trong số tất cả các nước ASEAN và 6 nước Đông Á.

Cơ cấu thị trường trong xuất khẩu của ASEAN sang các nước Đông Á cũng có sự thay đổi đáng kể. Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của ASEAN sang Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đã cao hơn kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ tới gần 70%; tổng kim ngạch thương mại giữa ASEAN và 3 nước trên đạt 413,8 tỷ USD; trong khi đó, thương mại của ASEAN với Hoa Kỳ và EU đạt 321,4 tỷ USD (tương đương 20,91% thương mại của ASEAN)./.

Văn Sơn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục