Hội thảo quốc tế giá trị di sản đa dạng tôn giáo VN

Việt Nam là một quốc gia đa dạng về các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo với khoảng 80% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo.
Những giá trị di sản của đa dạng tôn giáo và những đóng góp đối với xã hội Việt Nam đã được các học giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, các chức sắc tôn giáo trao đổi, chia sẻ tại Hội thảo quốc tế "Giá trị di sản của đa dạng tôn giáo ở Việt Nam và những đóng góp đối với xã hội Việt Nam."

Hội thảo do Ban Tôn giáo Chính phủ và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức trong hai ngày 25 và 26/9.

Hội thảo thể hiện thiện chí của Việt Nam trong việc thúc đẩy đối thoại tích cực với Liên minh châu Âu, nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên trong lĩnh vực tôn giáo, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) trong khuôn khổ Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU.

Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích những thành tựu của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; khuôn khổ pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và các cam kết quốc tế của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong lĩnh vực tự do tôn giáo. Những kinh nghiệm, mô hình tổ chức tôn giáo của các nước thành viên Liên minh châu Âu cũng được đề cập tại hội thảo.

Trong xu hướng quốc tế hóa và hội nhập hiện nay, những vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng có vai trò quan trọng, không chỉ trong phạm vi quốc gia hay khu vực mà còn trên toàn thế giới.

Theo Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Thanh Xuân, là bộ phận cấu thành của văn hóa, tôn giáo góp phần xây dựng và làm cho văn hóa Việt Nam sâu sắc hơn. Những di sản văn hóa của Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo, Cao đài... đang tiếp tục phát huy tác dụng, tạo nên sắc thái dân tộc, làm phong phú bản sắc văn hóa Việt Nam.

Những công trình kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc nghệ thuật và những bài văn, bài kệ của tôn giáo thể hiện trí tuệ, tâm hồn, tình cảm và cốt cách Việt Nam. Đạo đức tôn giáo luôn phản ánh khát vọng về hạnh phúc, hướng con người về điều thiện.

Con người Việt Nam yêu hòa bình, trọng nhân nghĩa, đoàn kết, tương thân tương ái, sống khoan dung và độ lượng, đạo đức truyền thống ấy có phần không nhỏ tiếp thu từ các tôn giáo, mà trước hết là Phật giáo, ông Nguyễn Thanh Xuân nhận định.

Trong phát biểu khai mạc, Đại sứ Franz Jessen, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam khẳng định tự do tín ngưỡng, tôn giáo như một quyền con người cơ bản, là một phần trong những giá trị cốt lõi của Liên minh châu Âu và cũng là chủ đề mà Việt Nam và Liên minh châu Âu cùng quan tâm.

Việt Nam là quốc gia đa dạng về các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo với khoảng 80% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có trên dưới 24 triệu tín đồ của 40 tổ chức tôn giáo được công nhận, chiếm 27% dân số.

Tôn giáo đã góp phần xây dựng và làm sâu sắc nền văn hóa Việt Nam, hình thành và hun đúc đạo đức nhân nghĩa, hòa hiếu của người Việt Nam; đồng thời có đóng góp lớn trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục